1.300 đại biểu quốc tế dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Sáng 6/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 chính thức khai mạc tại Học viện Phật giáo Việt Nam (TPHCM).

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025. (Ảnh: Báo Giác Ngộ)
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Lương Cường, cho rằng, Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn.
Sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: Từ bi, trí tuệ và hòa bình.

Chủ tịch nước Lương Cường dự khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025. (Ảnh: L.N)
"Chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo quý vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới, cùng quý vị đại biểu, đồng bào, Tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước về tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025", Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề Đại Lễ Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững".
"Đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội", Chủ tịch nước Lương Cường nói.
Bên cạnh đó, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Với vai trò là nước chủ nhà, chúng tôi mong và tin Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của Đại lễ; đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam", Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.

Đại lễ Vesak 2025 do Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức. (Ảnh: L.N)
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; đại diện cho tăng ni, phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra từ ngày 6 - 8/5 với sự tham dự của 2.700 đại biểu.
Bên cạnh đó, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, Phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra từ ngày 6 - 8/5 với sự tham dự của 2.700 đại biểu; trong đó có 1.300 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đại lễ Vesak 2025 do Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức. Đây là lần thứ 4 Việt Nam tổ chức sự kiện trọng đại này, sau thành công trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (TP Hà Nội) năm 2008, tại Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2014, tại Chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) năm 2019.