Hàng nghìn người mua nhà đất bị vướng chủ trương đã bãi bỏ 20 năm?

Nhằm tạo quỹ nhà cho người thu nhập thấp, cách đây 22 năm, ngày 23/4/2003 UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 07/2003/CT-UB, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở phải dành 10% diện tích quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại để bán lại với giá vốn cho thành phố. Sau đó hơn 2 năm, ngày 24/11/2005, UBND thành phố đã có văn bản bãi bỏ quy định trên, nhưng đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở và hàng trăm hộ dân đang bị vướng bởi quy định này…

Kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh và Sở NN-MT gỡ vướng cho các dự án đã tắc nghẽn hàng chục năm bởi các quy định trên vào ngày 20/5 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp Hội BĐS thành phố cho biết, ngày 19/12/2004 UBND thành phố đã quyết định giao đất cho Công ty CP TM XD và KDN Dương Hồng để doanh nghiệp này làm chủ đầu tư Dự án khu nhà ở 9B4 - 9B8 (Khu dân cư Dương Hồng). Trong quyết định giao đất, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài chính đề xuất giá bán nhà phục vụ chương trình quỹ nhà thu nhập thấp theo Chỉ thị số 07/CT-UB phục vụ cho các chương trình trọng điểm tại thành phố…

Cư dân một chung cư bức xúc căng băng rôn phản ứng chủ đầu tư và địa phương.

Cư dân một chung cư bức xúc căng băng rôn phản ứng chủ đầu tư và địa phương.

Theo yêu cầu trên, chủ đầu tư Khu dân cư Dương Hồng có trách nhiệm dành 10% quỹ đất phục vụ chương trình nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp của thành phố. Sau đó Công ty Dương Hồng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với dự án này, đồng thời hoàn thiện toàn bộ hạ tầng và đã bàn giao 90% “sổ hồng” cho cư dân. Sau khi UBND thành phố có văn bản bãi bỏ quy định trên, Công ty Dương Hồng đã bán phần diện tích không được thành phố mua lại cho người dân. Đến nay sau hơn 20 năm phát triển dự án, chủ đầu tư vẫn bị vướng mắc không ra được “sổ hồng” cho 10% quỹ đất tại dự án. Tình trạng trên khiến nhiều người mua đất nền khiếu kiện gay gắt trong thời gian dài.

Ngoài khu nhà ở nêu trên, một loạt dự án khác cũng chung tình trạng như Dự án RivaPark ở số 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4 do Vietcomreal làm chủ đầu tư cũng đã bán 150 căn hộ trong tổng số 320 căn hộ của dự án cho khách hàng. Trong khi đó, quyết định giao đất của thành phố cũng dự kiến chủ đầu tư sẽ bán lại 150 căn hộ này cho UBND quận 4 để phục vụ nhu cầu tái định cư (TĐC) trên địa bàn. Sau đó UBND quận 4 đã có văn bản xác nhận địa phương không có nhu cầu mua lại 150 căn hộ này để phục vụ nhu cầu TĐC. Tương tự, Dự án Ehome3 ở quận Bình Tân với 200 căn hộ, Dự án chung cư Phương Việt ở quận 8 với 244 căn hộ cũng bị vướng bởi tình trạng này…

Đại diện Hiệp hội BĐS cho biết, ngày 17/2 vừa qua Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Sở NN-MT cung cấp thông tin về các dự án có một phần liên quan nhà ở phục vụ TĐC. Trong đó Sở Xây dựng đã tổng hợp được danh sách 17 dự án nhà ở thương mại có vướng mắc liên quan việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc thành phố không mua lại quỹ nhà trong dự án để phục vụ TĐC. Trong đó có 2 dự án nằm trong danh sách dự án đã được HĐND thành phố khảo sát vào năm 2023.

Việc 25 nền đất của Công ty Dương Hồng cùng cả nghìn căn hộ có 20 năm không được cấp “sổ hồng” do ách tắc từ một chủ trương đã bị bãi bỏ này khiến người mua nhà hết sức lo lắng và bức xúc dẫn đến phát sinh khiếu kiện kéo dài. Để gỡ vướng cho các dự án nhà ở, ngày 25/1/2024 Văn phòng UBND thành phố đã có thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi họp Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong đó, về chuyển mục tiêu dự án từ nhà ở TĐC sang nhà ở thương mại, chủ tịch UBND thành phố đã thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở KHĐT ngày 18/12/2023 về sự cần thiết phân loại các dự án đề nghị chuyển mục tiêu dự án từ nhà ở TĐC sang nhà ở thương mại và phương án để xem xét việc chuyển đổi.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, phân nhóm các dự án nhà ở có đề nghị chuyển mục tiêu dự án từ TĐC sang dự án nhà ở thương mại để tham mưu UBND thành phố. Việc phân loại căn cứ theo các tiêu chí như nguồn gốc pháp lý khu đất; cơ sở pháp lý để đề nghị dự án phải thực hiện bố trí nhà TĐC; nhà đầu tư có hay không hưởng các ưu đãi liên quan đến việc bố trí nhà TĐC; việc thực hiện hoàn tất nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư và nhu cầu của thành phố trong việc mua lại nhà, đất để bố trí TĐC hiện nay… Sở KHĐT đã đề xuất việc này từ cuối năm 2023, nhưng đến nay các dự án rơi vào tình trạng này vẫn chưa được gỡ vướng, hàng nghìn người mua nền đất, căn hộ vẫn bị “treo” quyền lợi do chưa được cấp “sổ hồng”.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/hang-nghin-nguoi-mua-nha-dat-bi-vuong-chu-truong-da-bai-bo-20-nam--i769518/
Zalo