Nỗ lực xóa nhà tạm cho những hộ dân không có sổ đỏ

Nhiều hộ dân phải sống trên đất ở nhờ, đất lâm phần, đất trùng với quy hoạch khoáng sản bauxite chưa đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhưng một số tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh đã biến điều không thể thành có thể.

Giải pháp làm nhà tiền chế ở Bình Phước

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh cho biết, cũng như nhiều địa phương khác, quá trình triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Bình Phước cũng có nhiều vướng mắc liên quan tới đất đai.

Với những trường hợp người dân sống trong những căn nhà không có sổ đỏ, nguồn gốc đất là đất ở nhờ, đất lâm phần, đất trùng với quy hoạch khoáng sản bauxite, thì trước đây không thể xây dựng được nhà ở.

Để khắc phục khó khăn, tỉnh Bình Phước đã vận động người thân tặng đất, làm giấy tờ, làm sổ đất cho các hộ dân sống nhờ; hoặc vận động doanh nghiệp tặng, cho đất các hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó làm sổ đỏ để đủ điều kiện xây dựng nhà (mỗi sổ đất khoảng 200m2, tách sổ riêng cho từng hộ).

Với những hộ dân sống trên đất lâm phần hoặc trong khu vực đất chồng lấn với quy hoạch khoáng sản bauxite, tỉnh Bình Phước xin ý kiến Ban Chỉ đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc làm nhà tiền chế cho họ.

Giải pháp nhà tiền chế đã giúp nhiều hộ dân ở Bình Phước thoát cảnh sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Báo Bình Phước

Giải pháp nhà tiền chế đã giúp nhiều hộ dân ở Bình Phước thoát cảnh sống trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Báo Bình Phước

“Nếu chưa cấp sổ ngay được, thì tỉnh làm nhà tiền chế, các hộ đều đồng thuận ký biên bản không khiếu kiện về sau và sẵn sàng tháo dỡ, di chuyển khi có yêu cầu. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định cho các hộ dân. Nếu không thực hiện bằng cách xây dựng nhà tiền chế cho các hộ dân ở phần đất này thì không thể hoàn thành số lượng nhà còn lại với khoảng 90 căn trong phần đất quy hoạch bauxite”, bà Hạnh chia sẻ.

Tỉnh Bình Phước đã huy động khá hiệu quả nguồn đóng góp xã hội hóa cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương.

Mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát dành cho người có công với cách mạng khoảng 100 triệu đồng/căn; các hộ nghèo, cận nghèo là 80 triệu đồng/căn xây mới, 40 triệu đồng/căn sửa chữa.

Bí thư cấp ủy, chủ tịch các huyện, thị phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy, Trung ương về công việc rà soát, xây dựng nhà trên địa bàn. Nếu rà soát không chuẩn, để sai số liệu và đối tượng thụ hưởng thì bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm; nếu đề xuất thiếu thì tự vận động, tự xã hội hóa để thực hiện.

Tây Ninh bố trí quỹ đất công, xây dựng khu dân cư mới

Tại tỉnh Tây Ninh, hai đề án trọng tâm đã được triển khai để giúp người gặp khó khăn về nhà ở. Cụ thể gồm đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình chính sách (dự kiến hoàn thành 172 căn nhà, gồm xây mới 56 căn, sửa chữa 116 căn, tổng kinh phí 17,1 tỷ đồng) và đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo (113 căn, tổng kinh phí 41,6 tỷ đồng).

Để gỡ khó cho các trường hợp được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng không có đất, tỉnh đã chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, nước sạch và trang thiết bị thiết yếu cho các hộ gia đình.

“Theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh Tây Ninh đã nâng diện tích lên 42m2; khi bàn giao nhà còn tặng thêm 1 tivi, 1 quạt điện, 1 nồi cơm điện, 1 bể chứa nước sạch và hệ thống xử lý nước sinh hoạt. Tỉnh cũng đã thiết kế mẫu nhà thống nhất trên toàn địa bàn để đảm bảo các bộ phận triển khai thuận lợi”, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục rà soát các hộ gia đình có nhu cầu cần sửa chữa hoặc xây mới nhà ở mà chưa được hỗ trợ, đồng thời chủ động xây dựng các đề án, huy động các nguồn lực để tiếp tục sửa chữa, xây dựng nhà ở cho những hộ dân gặp khó khăn, nhằm đảm bảo cải thiện đời sống cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/no-luc-xoa-nha-tam-cho-nhung-ho-dan-khong-co-so-do-2405759.html
Zalo