Sắp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, để thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì thủ tục, hồ sơ không khác gì thực hiện các dự án nhà ở thương mại, thậm chí còn khó khăn, vất vả, phức tạp hơn. Nếu như vậy, khả năng sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu hoàn thành được 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhận định trên được ông Hà Quang Hưng phát biểu tại hội thảo “Giải pháp tăng tốc làm nhà ở xã hội" diễn ra tại trụ sở Báo Lao Động vào chiều ngày 28/5.

Theo ông Hưng, phát triển nhà ở xã hội không chỉ là bài toán xây dựng cơ bản, mà còn là một nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm an sinh xã hội và là cam kết của Chính phủ đối với người dân. Với quyết tâm chính trị cao, sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là khả thi.

“Bộ Xây dựng cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai, để nhà ở xã hội thực sự trở thành điểm tựa an cư cho hàng triệu người dân có thu nhập thấp trên cả nước”, ông Hưng cho hay.

Chia sẻ những vướng mắc của các chủ đầu tư dưới góc nhìn của cơ quan hoạch định chính sách, ông Hưng cho hay, để thực hiện các dự án nhà ở xã hội thì thủ tục, hồ sơ không khác gì thực hiện các dự án nhà ở thương mại, thậm chí còn khó khăn, vất vả, phức tạp hơn. Nếu như vậy thì khả năng sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu hoàn thành được 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Để giải quyết vấn đề, ông Hưng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cũng đề xuất cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa, cởi trói hơn nữa cho các dự án nhà ở xã hội.

"Chính phủ đã trình Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết thí điểm của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính, có thêm các cơ chế độ ưu đãi hơn cho nhà đầu tư cũng như các điều kiện để công nhân, người lao động, công chức, viên chức được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Chúng tôi đã rà soát lần cuối cùng để ngày mai Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết này, sớm hơn 1 tháng so với chương trình họp của Quốc hội”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, thời gian tới sẽ thành lập Quỹ nhà ở quốc gia bởi một trong những điểm nghẽn trong thời gian qua khi xây dựng nhà ở xã hội là vốn. Mặc dù đã có cơ chế chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tuy nhiên, các nguồn vốn này chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được nhiệm vụ chi đối với nhà ở xã hội. Cho nên các chủ đầu tư rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn.

“Do vậy, Quốc hội quyết định thành lập quỹ Nhà ở quốc gia, đây là quỹ tài chính ngoài Ngân sách và hoạt động với mục đích phi lợi nhuận với 2 cấp Trung ương và địa phương, với nhiều nguồn như nguồn ngân sách, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức cá nhân, tiền bán các nhà ở… Mục đích của quỹ này chủ yếu để đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội để cho thuê, để nhiều người tiếp cận, thụ hưởng được với loại hình nhà ở này”, ông Hưng nói.

Đã khởi công, hoàn thành nhà ở xã hội gần 50% mục tiêu đề ra đến 2025

Về công tác quy hoạch và bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội, theo ông Hưng, tính đến nay, cả nước đã có 1.309 vị trí được quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích khoảng 9.737 ha.

Về việc triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Hưng cho biết, theo thống kê đến ngày 30/4, cả nước có 679 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai, với tổng quy mô 623.051 căn. Trong đó, 108 dự án đã hoàn thành (73.075 căn); 152 dự án đã khởi công (130.963 căn); có 419 dự án đã có chủ trương đầu tư (419.013 căn). Như vậy, tổng số căn đã hoàn thành và khởi công hiện chiếm khoảng 48% so với mục tiêu 458.000 căn đặt ra đến năm 2025.

Thông Chí

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sap-thanh-lap-quy-nha-o-quoc-gia-10306857.html
Zalo