Hàng loạt sai sót trong lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành kết luận số 42, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án trị giá hơn 37 tỷ đồng này do Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Cục Kiểm lâm và Cục Lâm nghiệp) làm chủ đầu tư.
Đấu thầu và thực hiện gói thầu có nhiều vi phạm
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia là một trong 4 nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT thực hiện, có phạm vi trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu của quy hoạch là xác định các chỉ số, chỉ tiêu, định hướng phát triển 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất), độ che phủ rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, hạ tầng lâm nghiệp, nhu cầu sử dụng đất và hệ thống chế biến, thương mại lâm sản.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.
Cụ thể, kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt vào tháng 6/2020, gồm có 3 gói thầu. Tuy nhiên, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT), bộ phận thẩm định chưa phát hiện, đánh giá các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm.
Hồ sơ mời thầu chưa đưa ra một số tiêu chí cụ thể để lựa chọn nhà thầu, dẫn tới không có căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu. Chẳng hạn, khi đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu (HSDT), chưa có quy định cụ thể về điều kiện năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định. Tuy nhiên, điều kiện này đã được đưa vào tiêu chuẩn đánh giá tính điểm khi đánh giá HSDT.
Tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật về nội dung đánh giá kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu chưa đưa ra đầy đủ yêu cầu đáp ứng về quy mô, giá trị gói thầu, chưa đưa ra đầy đủ nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự.

Hàng loạt sai sót trong lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Ảnh: Tạ Thành
Nhân sự thực hiện gói thầu chưa nêu đầy đủ yêu cầu cụ thể về số lượng chuyên gia, chuyên ngành đào tạo và mức chuyên gia ở từng lĩnh vực đối với nội dung lập quy hoạch; số lượng điều tra viên, chuyên ngành đào tạo và bậc kỹ sư ở từng lĩnh vực đối với nội dung điều tra, khảo sát ngoại nghiệp bổ sung để thu thập thông tin về lâm nghiệp, để đảm bảo đáp ứng tiến độ và khối lượng công việc thực hiện.
Công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, Tổ chuyên gia đánh giá HSDT, bộ phận thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư chưa phát hiện, đánh giá HSDT với các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm.
Đáng chú ý, về nội dung thương thảo hợp đồng và nội dung hợp đồng đã ký, có sự điều chỉnh đơn giá chi công tác phí, khối lượng đêm lưu trú tại Biên bản thương thảo hợp đồng và hợp đồng so với dự thầu không đúng quy định.
“Hồ sơ đề xuất tài chính chi công tác phí là 500.000 đồng/ngày với tổng cộng 12.660 ngày, không có tiền lưu trú; Biên bản thương thảo hợp đồng và hợp đồng chi công tác phí là 200.000 đồng/ngày với tổng cộng 12.120 ngày và chi tiền lưu trú là 350.000 đồng/ngày với tổng cộng 11.700 đêm”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Cũng theo kết luận thanh tra, công tác quản lý thực hiện hợp đồng đối với gói thầu số 2: Lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài các ưu điểm, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm.
Hợp đồng dịch vụ tư vấn được quản lý theo hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu thực hiện cơ chế giao khoán cho chuyên gia/nhóm chuyên gia thực hiện, dẫn tới việc kiểm soát khối lượng thực hiện thực tế về ngày công, công tác phí, lưu trú và thuê xe đi điều tra, khảo sát chưa chặt chẽ, không thể hiện chi tiết theo thực tế.
Giấy đi đường được lập chỉ do Hạt Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm hoặc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh xác nhận, trong khi nhà thầu làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh để thu thập thông tin, tài liệu lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, bao gồm các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và chủ rừng…

Thanh toán chưa đúng hơn 770 triệu đồng
Cũng theo kết luận thanh tra, về quản lý nghiệm thu, thanh toán, thời điểm thanh toán lần 1 (năm 2020), nhà thầu đã được chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán các nội dung điều tra, khảo sát ngoại nghiệp bổ sung tại một số tỉnh (đơn vị tính là tỉnh). Tuy nhiên, năm 2021 vẫn phát sinh công tác phí và lưu trú tại tỉnh đó.
“Như vậy, việc thanh toán hoàn thành các nội dung điều tra, khảo sát ngoại nghiệp bổ sung là chưa phù hợp. Nghiệm thu, thanh toán một số nội dung chưa đúng quy định, số tiền 773.497.000 đồng”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Đoàn thanh tra yêu cầu chủ đầu tư đôn đốc, thu hồi và nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ NN&PTNT số tiền 773.497.000 đồng; điều chỉnh giảm quyết toán chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán số tiền 37.793.000 đồng do dự toán chưa áp dụng giảm 50% giá trị theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính.
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, các nhà thầu tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan đến các tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch như đã nêu; tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quản lý chất lượng của các gói thầu và những tồn tại, thiếu sót để có biện pháp khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.