Hàng giả trong lĩnh vực y tế không chỉ đơn thuần là gian lận thương mại mà là tội ác

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế diễn ra mới đây, đã cho chúng ta thấy một thực tế là tội phạm liên quan thuốc giả, thực phẩm an toàn giả ngày càng lộng hành. Đánh trúng tâm lý đa phần người dân quan tâm, chi nhiều tiền cho sức khỏe; cùng sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ quản lý; tội phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an cho biết, từ thực tế phát hiện, khởi tố tội phạm sản xuất hàng giả trong lĩnh vực y tế, xác định một số thủ đoạn như sau:

Thứ nhất, lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn hàm lượng cao nhưng sản xuất không đúng tiêu chuẩn công bố.

Thứ hai, các sản phẩm được "thổi phồng" tính năng công dụng, lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi.

Thứ ba, các đối tượng thành lập nhiều DN, đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau, nhập nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đăng ký sản phẩm, truyền thông, phân phối… hoạt động khép kín để hợp thức, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Thứ tư, các đối tượng có sự câu kết, móc nối một số cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho DN như cung cấp phiếu kiểm nghiệm khống để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên quan đến một số vi phạm khi cấp phép giấy chứng nhận nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn GMP, cấp hồ sơ công bố sản phẩm. Các đối tượng cũng lợi dụng những hạn chế trong công tác hậu kiểm để vi phạm.

Về công tác hậu kiểm với các mặt hàng này, đại diện một số Sở Y tế cho biết, do lợi nhuận khổng lồ nên những đối tượng cầm đầu đường dây thường không trực tiếp tham gia sản xuất mà chỉ đạo nhân viên, thuê nơi sản xuất ở vị trí vắng vẻ, xa trung tâm; nhiều đối tượng đã bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm. Một số quy định pháp luật cũng gây khó cho cơ quan quản lý, như đoàn kiểm tra rất khó để xác định được hàng giả vì theo quy định lấy mẫu, địa phương chỉ kiểm tra được chỉ số an toàn thực phẩm, chứ không kiểm tra được chất lượng. Đoàn kiểm tra cũng chỉ kiểm tra hậu kiểm ở cơ sở sản xuất và chỉ có thể kiểm tra chất lượng khi người dân có ý kiến.

Kết luận Hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, hàng giả trong lĩnh vực y tế không chỉ đơn thuần là gian lận thương mại mà là tội ác. Việc sản xuất, sử dụng các mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì vậy, cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để tập trung giải quyết vấn đề này. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Bộ sẽ rà soát để hoàn thiện các cơ sở pháp lý, đồng thời quyết liệt triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế như các hướng dẫn triển khai Luật Dược, sửa Nghị định 15/2028/NĐ-CP trình Chính phủ vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, để sớm ban hành nhằm giải quyết những khó khăn phát sinh trong thực tiễn về an toàn thực phẩm.

Chúng ta cũng cần xem xét phải có quy trình kiểm soát quản lý nghiêm ngặt hơn với lĩnh vực đặc thù này; tăng cường trách nhiệm đơn vị sản xuất, phải chứng minh được sản phẩm đạt chất lượng mới được đưa ra thị trường; phải có những chế tài nghiêm khắc hơn nữa với đối tượng vi phạm. Làm được những việc này, nhất định sẽ sớm lập lại trật tự trong lĩnh vực.

Huỳnh Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hang-gia-trong-linh-vuc-y-te-khong-chi-don-thuan-la-gian-lan-thuong-mai-ma-la-toi-ac-post549666.html
Zalo