Xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng giả

Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện khá nhiều trên thị trường, gây hoang mang, lo sợ cho người dân khi vô tình mua nhầm những mặt hàng này. Các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh.

Nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị 13/CT-TTg, ngày 17/5/2025 và Công điện 65/CĐ-TTg, ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ban hành Kế hoạch 01/KH-TTTN, ngày 17/5/2025 để giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Kế hoạch được ban hành với mục tiêu triển khai hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các đơn vị bám sát diễn biến của thị trường, tăng cường thu thập, phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón... Chủ động phát hiện những biến động bất thường, những vấn đề nổi cộm của thị trường, từ đó có phương án giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời. Cùng với đó, giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các mặt hàng thiết yếu trên các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội (MXH), nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và số hóa trong quản lý, xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị trường dùng chung trong toàn lực lượng quản lý thị trường và kết nối với các cơ quan chức năng khác nhằm kịp thời nắm bắt, dự báo nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trên địa bàn quản lý, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường với vai trò cơ quan tham mưu cho Sở Công Thương, UBND tỉnh, thành phố triển khai ngay các hoạt động giám sát, kiểm tra tại địa bàn quản lý; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Quản lý chắc địa bàn, phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; rà soát, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục với cơ quan có thẩm quyền. Trọng tâm của kế hoạch là bám sát diễn biến thị trường, chủ động rà soát các mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón... Đặc biệt, các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử và MXH sẽ bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh. Cục Quản lý và Phát triển thị trường cũng chỉ đạo tăng cường số hóa quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu toàn hệ thống quản lý thị trường nhằm nâng cao hiệu quả dự báo và xử lý vi phạm.

Song song đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, tập trung vào việc ký cam kết tuân thủ pháp luật với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt trên nền tảng số. Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại các địa bàn trọng điểm, thể hiện quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo điều hành. Tất cả các hoạt động đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo vệ thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Ngoài ra, tùy thuộc vào mặt hàng và mức độ vi phạm, hành vi bán hàng giả qua mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, đối với hành vi bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người bán hàng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tử hình, nếu có tình tiết tăng nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-kinh-doanh-hang-gia-a421364.html
Zalo