Hàn Quốc mời những người sáng tạo nội dung quốc tế khám phá di sản
Mời những người sáng tạo nội dung nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc khám phá, quảng bá di sản được Unesco công nhận của Hàn Quốc. Đây là sáng kiến mới của quốc gia này với mong muốn chia sẻ kho tàng di sản văn hóa với thế giới.
Chương trình mang tên “Mở khóa kho báu của Hàn Quốc” sẽ giúp những người sáng tạo nước ngoài sản xuất nội dung của riêng họ khi họ đến thăm các di sản quan trọng trên khắp đất nước. Trong năm chuyến tham quan, những người tham gia sẽ khám phá cả di sản văn hóa hữu hình và phi vật thể.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Hàn Quốc, họ sẽ tổ chức Chương trình du lịch di sản và danh lam thắng cảnh Unesco năm 2025 dành cho những người sáng tạo nội dung nước ngoài, trong khoảng thời gian từ tháng 6-11/2025 để làm nổi bật giá trị phổ quát của các di sản văn hóa của Hàn Quốc.
“Ngay cả những người nước ngoài đã sống ở Hàn Quốc trong một thời gian dài cũng hiếm khi có cơ hội khám phá sâu sắc về lịch sử và văn hóa của đất nước này. Chúng tôi hy vọng chương trình sẽ cho phép họ trực tiếp trải nghiệm những di sản vô giá của Hàn Quốc và trở thành đại sứ văn hóa cho thế giới”, một viên chức Bộ VHTTDL Hàn Quốc cho biết.

Học sinh tiểu học ở Seoul mặc trang phục thời Joseon (1392-1910) tham quan Museong Seowon ở Jeongeup, tỉnh Jeolla Bắc. Học viện Nho giáo thời Joseon đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2019 để ghi nhận tầm quan trọng về mặt văn hóa của nơi này. Ảnh: Yonhap.
Hàn Quốc hiện tự hào có 16 di sản thế giới được Unesco công nhận, 23 di sản khác nằm trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của Unesco và 20 di sản được ghi vào Danh mục đăng ký ký ức thế giới của Unesco.
Các tour du lịch dành cho người sáng tạo sẽ giới thiệu những di sản phong phú này, bắt đầu vào tháng 6 với chuyến thăm Museong Seowon (học viện Nho giáo) ở Jeongeup, tỉnh Jeolla Bắc, nơi du khách sẽ tìm hiểu về nho giáo mới của Hàn Quốc và Đài tưởng niệm cách mạng nông dân Donghak, nơi tưởng niệm tinh thần kháng chiến của nhân dân.
Tại Busan, những người sáng tạo sẽ khám phá các địa điểm lịch sử gắn liền với Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và ghi lại những cảnh sống động của Làng văn hóa Gamcheon. Mặc dù không phải là di sản Unesco, ngôi làng này đã được chương trình Hàn Quốc của Unesco công nhận là địa điểm giáo dục phát triển bền vững.

Làng văn hóa Gamcheon ở Busan, ban đầu là nơi định cư của những người tị nạn trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đã được chuyển đổi thành một điểm thu hút khách du lịch sôi động sau khi sinh viên, nghệ sĩ và cư dân trang trí khu vực này như một phần của Dự án nghệ thuật làng vào năm 2009. Ảnh: Tổ chức du lịch Busan.
Hành trình tháng 9 cho những người sáng tạo sẽ qua các thành phố Gwangju và Suwon ở tỉnh Gyeonggi, nơi những người tham gia sẽ tham quan Namhansanseong và Suwon Hwaseong, hai trong số những pháo đài trên núi nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, khám phá những câu chuyện đằng sau những địa danh lịch sử này. Vào tháng 10, trọng tâm chuyển sang Yeosu, tỉnh Nam Jeolla, nơi nhóm sẽ nghiên cứu cuộc đời của Đô đốc Yi Sun-sin và lịch sử hải quân Hàn Quốc thông qua “Nanjung Ilgi”, nhật ký chiến tranh của vị đô đốc được Unesco công nhận, đồng thời trải nghiệm biển đêm và bãi triều nổi tiếng của thành phố.
Hành trình cuối cùng vào tháng 11 sẽ diễn ra tại Pyeongchang, tỉnh Gangwon, nơi những người sáng tạo sẽ tham gia trải nghiệm làm kim chi, món ăn truyền thống được Unesco ghi danh.
Mọi hoạt động và trải nghiệm của chuyến tham quan và các sản phẩm sáng tạo sẽ được ghi lại và chia sẻ qua các video trên kênh YouTube Korea.net, với các tính năng đặc biệt được lên kế hoạch để quảng bá di sản Unesco của Hàn Quốc ra toàn thế giới.