Tiến sĩ Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai: Đổi mới để thích ứng và kế thừa

Tiến sĩ Trương Đức Cường.
Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai là ngôi trường chuyên đào tạo các ngành nghệ thuật có bề dày hơn 120 năm lịch sử tại vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đứng trước những thay đổi của môi trường xã hội, ngôi trường này đang có những nỗ lực đổi mới để thích ứng trong việc đào tạo nhân lực cho địa phương, đất nước.
Tiến sĩ Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần xoay quanh vấn đề này.
Hướng đến nhu cầu xã hội
Thưa tiến sĩ Trương Đức Cường, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có tuổi đời hơn 120 năm. Là ngôi trường đầu tiên đào tạo lĩnh vực mỹ thuật của Đồng Nai cũng như có bề dày lịch sử lâu đời của cả nước, ông có thể khái quát về lịch sử của trường?
- Trường được hình thành vào đầu thế kỷ XIX do người Pháp thành lập với tên gọi ban đầu là Trường Dạy nghề Biên Hòa. Qua từng giai đoạn, trường có 5 lần đổi tên khác nhau, nay Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có tuổi đời 122 năm. Từ ngôi trường này, nhiều thế hệ nghệ nhân đã được bồi dưỡng, phát huy và cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Nhà trường đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên có tài năng, cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực thiết kế mỹ thuật ứng dụng chất lượng cao. Nhiều công trình do các nghệ nhân của nhà trường thực hiện vẫn tồn tại trong tổng thể kiến trúc văn hóa, lịch sử của tỉnh. Điều đó thật vinh dự và tự hào bởi chúng tôi là thành viên của ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất đứng chân trên địa bàn Đồng Nai.
Nghề gốm có thể nói là lĩnh vực được gắn liền với sự hình thành và phát triển của nhà trường, vậy công tác đào tạo của nhà trường trong ngành này ra sao?
- Từ năm 1913, nghề gốm được định hình và đưa vào giảng dạy chính quy tại trường. Khi Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Robert Balick làm hiệu trưởng vào năm 1923 thì ông và vợ là bà Mariette Balick đã thành lập Hợp tác xã thủ công thợ đúc và thợ gốm. Cũng từ đây, trường đã tập hợp nhiều nghệ nhân giỏi để sản xuất cũng như tham gia đào tạo và cung cấp lực lượng lao động lành nghề cho nghề gốm thời điểm đó. Các sản phẩm gốm Biên Hòa được đem bán rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, tạo được tiếng vang và có chỗ đứng riêng.
Qua nhiều thay đổi, gốm Biên Hòa có lúc thịnh lúc suy, nghề gốm và việc đào tạo sinh viên ngành gốm của nhà trường vì thế có những mức độ ảnh hưởng nhất định. Hiện nay, đây vẫn là ngành truyền thống của nhà trường và việc thu hút học sinh thi vào ngành trong thời gian gần đây đã có sự khởi sắc trở lại. Điều đó giúp nhà trường tiếp tục kế thừa và tiếp nối, phát triển những thành quả mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng.
Đó là với ngành gốm, còn hiện tại, việc đào tạo của nhà trường như thế nào và đâu là thế mạnh để thu hút học viên?
- Gốm là ngành truyền thống, là di sản để kế thừa và biến đổi để thích ứng với nhu cầu xã hội. Bên cạnh ngành gốm, chúng tôi cũng đào tạo những chuyên ngành thiết kế mỹ thuật ứng dụng khác như thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, điêu khắc, thiết kế thời trang... Đây là những ngành mà xã hội đang cần và sinh viên của chúng tôi khi ra trường đều có việc làm rất tốt. Thế nên trong tương lai, kế thừa và phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải pháp để đào tạo theo nhu cầu của xã hội.

Học sinh trung học phổ thông tham quan và trải nghiệm làm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ảnh:Đ.Lê
Di sản là vốn quý và cần phải đưa giá trị của di sản vào cuộc sống
Ông có thể cho biết, trường đã có những giải pháp gì trong thu hút học viên vào ngành nghề truyền thống?
- Chúng tôi nỗ lực để tìm hướng đi, giải pháp vượt qua khó khăn và đã có những kết quả bước đầu, tuy vậy tình hình thực tế thì khó khăn vẫn còn đó. Thú thật là ngôi trường truyền thống nên cơ sở vật chất đầu tư chưa theo kịp với yêu cầu đào tạo nhân lực xã hội. Hơn nữa là trường cao đẳng nên gặp khó trong cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học. Trước đây có những thời điểm không tuyển sinh đủ chỉ tiêu để mở lớp học. Bên cạnh đó là đội ngũ giảng viên, giáo trình đào tạo nghề nghiệp cũng có những vướng mắc nhất định.
Để tháo gỡ khó khăn, điều quan trọng là phải biết mình vướng ở chỗ nào rồi gỡ rối từng bước. Đơn cử như ngành gốm, chúng tôi đã và đang học tập kinh nghiệm từ nước ngoài, hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp, đưa họ tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường, từ đó mới nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học.
Và một điều quan trọng nữa là công tác truyền thông, quảng bá. Nếu không có các chương trình truyền thông, quảng bá, hỗ trợ từ các cơ quan truyền thông thì chúng tôi còn gặp khó khăn nhiều hơn.
Theo tiến sĩ Trương Đức Cường, những năm gần đây, nhờ hiệu ứng truyền thông, công tác tuyển sinh của nhà trường đã đạt kết quả tốt hơn. Tỷ lệ tham gia dự thi đã cao hơn và nhà trường sẽ nỗ lực để nâng cao chất lượng đầu vào.
Nghề gốm ở Biên Hòa nổi danh trong lịch sử và như là một di sản của vùng đất, con người Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy nhiên, di sản đã sẵn có mà việc ứng dụng, phát huy giá trị của di sản ấy vào thực tế chưa thực sự hiệu quả, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
- Gốm Biên Hòa đã là một dòng gốm nức tiếng trong lịch sử với những nét đặc sắc riêng, gắn liền với quá trình phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Nghệ thuật gốm đã là di sản, chứa đựng bao trầm tích văn hóa và nghề gốm vẫn còn tồn tại đến ngày nay cả ở quy mô thủ công lẫn quy mô công nghiệp. Khi chúng ta khai thác tốt giá trị di sản của gốm, đặc biệt là trong những lĩnh vực như văn hóa, du lịch thì sức sống của nghề này sẽ được lưu truyền lâu dài. Di sản không phải thứ để lưu giữ trong tủ kính bảo tàng, mà là điều đang sống, đang thở, đang lan tỏa trong từng ý tưởng sáng tạo của thế hệ hôm nay. Chỉ có điều, trên thực tế những điều mong muốn ấy chưa thực sự hiệu quả, nếu không muốn nói là còn nhiều vấn đề.
Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm nhiều đến vấn đề này, mới đây đã có triển lãm, hội thảo về gốm Biên Hòa, trong tương lai có thể có các bảo tàng về gốm, khu trưng bày, khu làng nghề, giới thiệu sản phẩm, du lịch..., ông có cho rằng đây là cơ hội của trường?
- Hiển nhiên, đây là điều mà chúng tôi rất chờ đợi và Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cũng mong muốn được trở thành một điểm đến quan trọng trong chuỗi hành trình du lịch về gốm ấy. Mong mỏi là vậy nhưng cũng vẫn phải chờ xem sự kết nối của các cơ quan, đơn vị mang lại hiệu quả thực tế ra sao. Đợt vừa qua, chúng tôi cũng đã tham gia rất tích cực trong các chuỗi sự kiện về gốm nhưng nhìn chung vẫn thiếu một thứ gì đó để có thể đưa chương trình này phát triển xứng tầm. Hội thảo về nghề song chúng ta chưa có sự so sánh, đối chiếu, những ưu, nhược điểm, thực tế phát triển, tìm ra giải pháp để gầy dựng lại hào quang; có cảm giác như vẫn là hội chợ để giới thiệu sản phẩm.
Dù sao thì đây cũng mới là lần đầu tổ chức, chúng tôi cũng rất kỳ vọng trong những lần sau sẽ có thêm các chuyên gia quốc tế, chuyên gia từ những làng nghề nổi tiếng cùng tham gia. Với vị thế của mình, nhà trường sẵn sàng kết nối.
Từ một biên đạo múa, qua quá trình quản lý cơ sở giáo dục từ Tây Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã để lại cho ông điều gì?
- Tôi vốn dĩ là người gốc Hà Nội, học trong trường nghệ thuật quân đội, là người lính, là biên đạo múa nên suốt thời tuổi trẻ tôi rất nhiệt huyết và đam mê. Nhiều tác phẩm múa do tôi dàn dựng được đánh giá cao và đạt các giải thưởng. Sau này vào miền Nam công tác và hiện gắn bó với Biên Hòa được 7 năm, tôi cảm thấy bất cứ một việc gì đã làm phải có đam mê và phải quyết tâm làm bằng được. Về cơ bản, biên đạo múa và mỹ thuật ứng dụng với tôi không có sự khác biệt mà có nhiều điểm tương đồng với nhau. Bởi vì mỹ thuật là tĩnh còn múa là động, cũng dựa trên những nguyên lý về hình khối, không gian. Được sống, làm việc trong môi trường nghệ thuật giúp tôi tiếp tục trải nghiệm, sáng tạo và lao động nghiêm túc với nghề.