Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 114 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Quý 2/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 58 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp đà tăng từ năm 2023, trong quý II/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng trưởng dương, đặc biệt hai tháng 5 và 6 tăng trưởng 2 con số.

Nhu cầu mực, bạch tuộc của Hàn Quốc vẫn ổn định trong nửa đầu năm nay. Bên cạnh đó, Hàn Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Peru nên tăng nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 71,9%, mực chiếm 28,1%. Trong đó, nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc khô, muối, sống, tươi, đông lạnh, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc. Nhóm sản phẩm này tăng 18% trong khi nhóm bạch tuộc chế biến giảm 15%.

Hai quý đầu năm 2024, xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh hơn so với mực. Xuất khẩu nhóm sản phẩm mực chế biến và mực khô hoặc nướng tăng 2 con số trong khi xuất khẩu nhóm sản phẩm mực tươi, đông lạnh giảm nhẹ 4%. Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực nút đông lạnh…

Ngoài ra, năm 2024, nhập khẩu thủy hải sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Cuối năm 2024, đồng nội tệ của Hàn Quốc dự báo tăng giá. Những thông tin này có thể là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm 2024.

Trong năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng ổn định, với giá trị ước tính đạt khoảng 900 triệu USD.

Các mặt hàng chính bao gồm tôm, cá tra, cá ngừ và mực. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường quan trọng thứ tư của Việt Nam, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Nhu cầu về thủy sản tại Hàn Quốc vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến và có giá trị gia tăng cao.

Dự báo cuối năm 2024 và đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù có thể gặp phải một số thách thức như biến động giá cả và quy định kiểm soát nhập khẩu khắt khe hơn từ phía Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), sẽ giúp giảm thuế và mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng sản lượng thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,385 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó sản lượng thủy sản khai thác 1,953 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản 2,431 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ đều có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Hiện, cá ngừ nửa đầu năm đạt 472 triệu USD, tăng 23% so với nửa đầu năm 2023 - tăng mạnh nhất trong nhóm thủy sản chính.

Nhật Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/han-quoc-la-thi-truong-tieu-thu-muc-bach-tuoc-lon-nhat-cua-viet-nam-312624.html
Zalo