Hàn Quốc báo động gia tăng lừa đảo qua giọng nói

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tại Hàn Quốc đã xảy ra 5.878 vụ lừa đảo qua giọng nói.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã kêu gọi người dân nước này cảnh giác và đặc biệt thận trọng với loại tội phạm lừa đảo trực tuyến bằng giọng nói, khi tổng thiệt hại từ loại tội phạm này trong ba tháng đầu năm nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tại Hàn Quốc đã xảy ra 5.878 vụ lừa đảo qua giọng nói, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng thiệt hại là 311,6 tỷ won (tương đương khoảng 217 triệu USD). Thiệt hại trên mỗi vụ việc là 53,01 triệu won, lần lượt tăng 2,2 lần và 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Phương pháp tội phạm sử dụng là yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng độc hại. Đối tượng loại tội phạm này nhắm đến có hơn một nửa là người từ 50 tuổi trở lên - những người có ít kiến thức về kỹ thuật số. Tội phạm liên quan đến việc mạo danh một tổ chức nào đó chiếm hơn một nửa tổng số vụ lừa đảo với 2.991 vụ, chiếm 51%. Số nạn nhân trên 50 tuổi bị tấn công bằng kỹ thuật số tiếp tục tăng ở mức 53%. Để so sánh, con số này chỉ là 32% vào năm 2023, nhưng đã tăng vọt lên 47% vào năm 2024 và tăng gấp rưỡi trong ba tháng đầu năm nay.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cảnh báo rằng các đối tượng lừa đảo có nhiều cách để tiếp cận nạn nhân, chẳng hạn như gửi thiệp, kiểm tra hồ sơ và xin vay tiền, nhưng kịch bản thực sự bắt đầu bằng việc cài đặt các ứng dụng độc hại trên điện thoại di động.

Thông tin cá nhân bị đánh cắp thông qua các ứng dụng độc hại sẽ được chuyển cho các tổ chức tội phạm. Dựa trên thông tin này, chúng giả vờ là một tổ chức công cộng thực sự và đe dọa nạn nhân. Phổ biến nhất là nạn nhân bị lừa mua một chiếc điện thoại di động mới thông qua chương trình mua mới đổi cũ, sau đó bị lừa cài đặt một ứng dụng độc hại có thể bị điều khiển từ xa.

Cách khác, khi biết nạn nhân muốn mua một sản phẩm nào đó, tội phạm lừa đảo đề nghị cài đặt một ứng dụng độc hại lừa là của Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng để người mua sẽ được bảo vệ sau khi mua và sử dụng sản phẩm nếu xảy ra vấn đề gì cần khiếu nại, sau đó thông qua ứng dụng độc hại này để đánh cắp các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, đối tượng còn gửi các tin nhắn văn bản có nội dung cảnh báo như tin nhắn cáo phó, thông báo phạt vi phạm giao thông, giấy chứng nhận kiểm tra sức khỏe và chấp thuận thanh toán bằng thẻ ở nước ngoài, đồng thời dụ người dùng nhấp vào các liên kết để cài đặt ứng dụng độc hại.

Khi Cơ quan Cảnh sát Quốc gia kiểm tra máy chủ ứng dụng độc hại thực tế, phát hiện được rằng các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các trang web giả được xây dựng tinh vi để kiểm tra thông tin cơ bản của nạn nhân như tên, số điện thoại, kiểu điện thoại và nhà mạng di động, cũng như ghi âm cuộc gọi và thông tin vị trí theo thời gian thực của nạn nhân.

Các đối tượng này cũng sử dụng khoảng 80 số điện thoại thực sự đang được Cơ quan Giám sát Tài chính, công tố viên và cảnh sát sử dụng. Nếu nạn nhân gọi đến số đó, cuộc gọi sẽ được kết nối đến một số điện thoại do tổ chức tội phạm sử dụng hoặc cuộc gọi từ tổ chức tội phạm sẽ bị thao túng để hiển thị dưới dạng số của tổ chức trên điện thoại di động của nạn nhân.

Đây là phương pháp sử dụng ứng dụng độc hại được gọi là “bắt buộc tiếp nhận/bắt buộc truyền tải”. Ông Kwak Byeong Il - Trưởng phòng Điều tra Tội phạm có tổ chức và Ma túy thuộc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, cho biết các tội phạm lừa đảo trực tuyến qua giọng nói đang ngày càng có tổ chức và tinh vi hơn khiến nạn nhân khó phân biệt được mà thường sẽ tự động làm theo hướng dẫn của chúng, chỉ nhận ra cho đến khi bị lấy cắp mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Trường Giang (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-quoc-bao-dong-gia-tang-lua-dao-qua-giong-noi/372030.html
Zalo