Hai thanh niên Sơn La đưa nông nghiệp sạch lên bản đồ số

Từ một thanh niên sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn La, Hà Văn Sáng và Quàng Thị Vy không chỉ mang trong mình ước mơ làm giàu từ nông nghiệp mà còn tiên phong áp dụng công nghệ số vào phát triển mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Dự án 'Thanh niên nông thôn chuyển đổi kỹ thuật số' đã không chỉ tạo ra những sản phẩm nông sản sạch mà còn đưa chúng đến gần hơn với cộng đồng qua nền tảng YouTube, TikTok, Facebook... thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.

Hành trình khởi nghiệp từ lòng đam mê

Hà Văn Sáng (27 tuổi) và Quàng Thị Vy (24 tuổi) sinh ra và lớn lên tại bản Nguồn, xã Mường Lang (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Nhận thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên của quê hương tuy giàu có nhưng lại thiếu sự khai thác hiệu quả, hai bạn quyết tâm khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch, kết hợp chuyển đổi số.

Hà Văn Sáng và Quàng Thị Vy sinh ra và lớn lên tại bản Nguồn, xã Mường Lang (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Hà Văn Sáng và Quàng Thị Vy sinh ra và lớn lên tại bản Nguồn, xã Mường Lang (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

"Mình nhận ra rằng, không phải cứ đi xa quê mới có thể làm giàu. Chính mảnh đất mình lớn lên mới là nơi giúp mình phát triển bền vững nhất. Với sự hỗ trợ của công nghệ, chúng tôi tin rằng sẽ đưa sản phẩm của Mường Lang đến với nhiều người hơn, tạo ra thu nhập ổn định cho gia đình và bà con trong bản", Hà Văn Sáng chia sẻ.

Quyết định khởi nghiệp đến với Sáng và Vy không dễ dàng. Cả hai phải vượt qua nhiều định kiến rằng thanh niên nông thôn khó có thể thành công khi chỉ dựa vào nông nghiệp. "Gia đình thoạt đầu không ủng hộ vì sợ thất bại, nhưng chúng mình tin vào con đường đã chọn", Quàng Thị Vy cho biết.

Mô hình nông nghiệp kết hợp công nghệ số

Dự án của Sáng và Vy được triển khai trên diện tích 5.000m², gồm các mô hình chăn nuôi và trồng trọt đa dạng. Hiện tại, nông trại nuôi 700 con gà, 30 con vịt, 20 con dê, 5.000 con cá, cùng với các loại rau, củ, quả phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch.

Với số vốn 150 triệu đồng, Sáng và Vy đã bắt đầu khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Với số vốn 150 triệu đồng, Sáng và Vy đã bắt đầu khởi nghiệp. Ảnh: NVCC

Điểm đột phá của dự án chính là việc ứng dụng công nghệ số. Nhóm đã xây dựng hai kênh YouTube để chia sẻ hành trình sản xuất, đồng thời quảng bá sản phẩm. Những video ghi lại cảnh chăn nuôi, trồng trọt đời thường nhưng chân thực, gần gũi, đã thu hút hơn 182.000 lượt đăng ký. “Mỗi tháng, từ việc quảng bá mô hình trên nền tảng trực tuyến, mình thu về hàng chục triệu đồng, tạo ra một nguồn thu nhập ổn định và bền vững”, Sáng chia sẻ.

Dự án ‘Thanh niên nông thôn chuyển đổi kỹ thuật số’ là một trong 32 dự án lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi 'Khởi nghiệp thanh niên nông thôn' năm 2024, do T.Ư Đoàn tổ chức.

"Chúng mình không chỉ muốn bán sản phẩm mà còn kể câu chuyện về cuộc sống nông thôn, về sự nỗ lực của thanh niên vùng cao. Qua đó, khách hàng hiểu và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm", Sáng bày tỏ.

Giải pháp vượt qua thách thức

Hành trình khởi nghiệp không tránh khỏi khó khăn. Thách thức lớn nhất của dự án là đảm bảo chất lượng sản phẩm và xây dựng mạng lưới phân phối ổn định.

"Chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là khi quy mô ngày càng lớn. Để giảm rủi ro, chúng mình tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng dịch, kết hợp học hỏi từ các chuyên gia và tài liệu khoa học", Vy chia sẻ.

Mô hình nông nghiệp sạch của Sáng và Vy. Ảnh: NVCC

Mô hình nông nghiệp sạch của Sáng và Vy. Ảnh: NVCC

Nhóm cũng đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng cho bản thân và đội ngũ. Từ cách quay video, biên tập nội dung cho đến việc giao tiếp với khách hàng qua mạng xã hội, tất cả đều được hai bạn trẻ học hỏi và hoàn thiện từng ngày.

Thành quả bước đầu và định hướng tương lai

Với tổng vốn đầu tư 150 triệu đồng, dự án đã mang lại những thành quả đáng khích lệ. Chỉ trong năm đầu tiên, nhóm đã xây dựng được thương hiệu nhỏ, cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trong và ngoài huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La).

"Những đơn hàng đầu tiên đến từ chính người quen. Sau đó, nhờ mạng xã hội, sản phẩm của chúng mình đã được biết đến rộng rãi hơn. Điều này giúp tăng doanh thu và tạo thêm động lực để tiếp tục phát triển", Vy chia sẻ.

Dự án của Sáng và Vy được triển khai trên diện tích 5.000m², gồm các mô hình chăn nuôi và trồng trọt đa dạng. Ảnh: NVCC

Dự án của Sáng và Vy được triển khai trên diện tích 5.000m², gồm các mô hình chăn nuôi và trồng trọt đa dạng. Ảnh: NVCC

Nhóm đặt mục tiêu trong hai năm tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản. Đồng thời, nhóm dự định mở lớp chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho thanh niên trong vùng.

Bài học từ dự án khởi nghiệp

Câu chuyện của Hà Văn Sáng và Quàng Thị Vy không chỉ là bài học về tinh thần dám nghĩ, dám làm mà còn chứng minh tiềm năng to lớn của nông thôn khi kết hợp với công nghệ số.

Điểm đột phá của dự án chính là việc ứng dụng công nghệ số. Ảnh: NVCC

Điểm đột phá của dự án chính là việc ứng dụng công nghệ số. Ảnh: NVCC

"Sự thành công không đến từ việc bạn làm gì lớn lao mà từ cách bạn làm những điều nhỏ nhất, với lòng đam mê. Chúng mình hy vọng, dự án sẽ truyền cảm hứng để nhiều bạn trẻ nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp, đóng góp cho quê hương", Sáng nhấn mạnh.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/hai-thanh-nien-son-la-dua-nong-nghiep-sach-len-ban-do-so-post1695385.tpo
Zalo