Hải quan Thanh Hóa: Thu ngân sách sẽ vượt ngưỡng 20.380 tỷ đồng

Theo Cục Hải quan Thanh Hóa, với tiến độ hiện nay, dự kiến đến hết năm 2024 đơn vị sẽ thu ngân sách đạt ngưỡng hơn 20.380 tỷ đồng, đạt hơn 150% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 21% so với năm 2023. Đây là kết quả ấn tượng, đưa đơn vị nằm trong top 10 về thu nộp ngân sách nhà nước toàn ngành Hải quan.

Cán bộ Hải quan Thanh Hóa tiếp nhận và hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Ảnh: CTV

Cán bộ Hải quan Thanh Hóa tiếp nhận và hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Ảnh: CTV

Thu từ dầu thô chiếm hơn 80% tổng thu

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện Hải quan Thanh Hóa cho biết, thống kê đến đầu tháng 12/2024, đơn vị đã thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 19.391 tỷ đồng, đạt 124% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 15.210,9 tỷ đồng chiếm 82,5% trong tổng số thu NSNN, bằng 140% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn thu thuế GTGT từ dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Phối hợp triệt phá 5 vụ án về ma túy

Năm 2024, đơn vị thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Thanh Hóa trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết quả, tính đến đầu tháng 12/2024, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ 5 vụ án về ma túy và 1 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tang vật thu được là 48,49 kg ma túy các loại và 1 khẩu súng tự chế kèm 11 viên đạn.

Hàng hóa nhập khẩu khác như: than đá, sắt thép phế liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cho các dự án đầu tư, sửa chữa, bảo hành,… không có biến động lớn, số thu NSNN từ nguồn này đạt 3.493,84 tỷ đồng. Nguồn thu từ hàng hóa xuất khẩu năm 2024 đạt hơn 513 tỷ đồng, với các mặt hàng truyền thống như sản phẩm đá xây dựng các loại; clanke; dăm gỗ; xăng, dầu tái xuất; xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng các loại; hải sản đông lạnh; sản phẩm may mặc...

Tính đến đầu tháng 12/2024, Hải quan Thanh Hóa đã làm thủ tục hải quan cho số lượng tờ khai xuất nhập khẩu (XNK) đã làm thủ tục là 151.854 tờ khai, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng phương tiện xuất nhập cảnh đã làm thủ tục là 15.062 lượt phương tiện, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Tàu biển là 1.870 lượt chiếc; ô tô là 13.192 lượt chiếc. Tổng lượng hàng hóa đạt kim ngạch XNK là 14,54 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu là 5,07 tỷ USD; nhập khẩu là 9,47 tỷ USD.

Theo đại diện Hải quan Thanh Hóa, để đạt được kết quả nêu trên, ngay từ đầu năm 2024, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu giao của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan, của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Thanh Hóa, Hải quan tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời đề ra các mục tiêu và giải pháp, nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Cục đã thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu thu NSNN được giao của các chi cục hải quan cửa khẩu; kiểm tra rà soát việc thực hiện chính sách thuế, việc áp mã số hàng hóa, thuế suất hàng hóa xuất nhập khẩu đảm bảo thực hiện theo quy định. Trong năm 2024, đơn vị đã tổ chức thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, XNK, quy trình thủ tục hải quan; giải quyết, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; không có vướng mắc tồn đọng.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND Thanh Hóa trong việc hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến số tăng thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội. Triển khai thực hiện Nghị định số 134/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tăng thu từ hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được Hải quan Thanh Hóa đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và thông quan nhanh đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và minh bạch trong quá trình làm thủ tục hải quan. Chính vì vậy, đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả từ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

Phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp

Theo Hải quan Thanh Hóa, đơn vị đã xây dựng Chương trình công tác trọng tâm thực hiện năm 2025, trong đó tập trung vào việc xây dựng kế hoạch thu NSNN năm 2025 và giao chỉ tiêu thu NSNN cho các Chi cục hải quan cửa khẩu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Hải quan giao; chủ động nắm bắt tình hình biến động các nguồn thu để xây dựng dự toán thu NSNN những năm tiếp theo sát với thực tế.

Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa cơ quan hải quan, doanh nghiệp và các bên liên quan, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hải quan đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn quản lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách pháp luật hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan các cấp, chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan thông qua các hoạt động tham vấn, hợp tác, giám sát.

Trên thực tế, 10 năm qua, quan hệ đối tác giữa hải quan và doanh nghiệp tại Thanh Hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Hải quan Thanh Hóa thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật các quy định về chính sách pháp luật hải quan và thuế. Việc ký kết các chương trình hợp tác với doanh nghiệp cũng được thúc đẩy, góp phần vào sự phát triển của các hoạt động XNK.

Tính đến nay, Hải quan Thanh Hóa đã tham vấn, giải đáp các kiến nghị, vướng mắc cho khoảng 1.000 lượt doanh nghiệp có hoạt động XNK tại địa bàn quản lý, thực hiện ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với 42 hiệp hội và doanh nghiệp.

Cán bộ Hải quan Thanh Hóa thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh: CTV

Cán bộ Hải quan Thanh Hóa thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Ảnh: CTV

Ghi nhận sự hợp tác của cơ quan hải quan với doanh nghiệp, ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình đánh giá cao nỗ lực không ngừng của Hải quan Thanh Hóa trong việc liên tục cải thiện các chỉ số DCCI hàng năm, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện chất lượng phục vụ. Cục Hải quan Thanh Hóa là đơn vị có sự dịch chuyển tốt trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, làm tốt vai trò vừa quản lý vừa hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh.

Đồng thuận với đánh giá nêu trên, ông Lê Văn Quang - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, kim ngạch XNK của mía đường Lam Sơn đạt tới 60 triệu USD trong năm vừa qua. Để có kết quả như vậy, công ty nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Hải quan Thanh Hóa trong các nghiệp vụ như hướng dẫn kê khai hồ sơ hải quan và các thủ tục kiểm tra giám sát, sau thông quan…/.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-thanh-hoa-thu-ngan-sach-se-vuot-nguong-20380-ty-dong-166863-166863.html
Zalo