Các tổ chức tín dụng kêu gọi khách hàng gia tăng sử dụng ngân hàng số
Cận tết Nguyên đán, giao dịch trực tiếp của người dân Hà Tĩnh tăng cao, các tổ chức tín dụng đang tăng cường tư vấn khách hàng sử dụng nền tảng ngân hàng số để tiết giảm thời gian.
Cứ vào thời điểm cuối các năm, nhu cầu giao dịch rút tiền, chuyển tiền phục vụ thanh toán, tiêu dùng, đóng nộp ngân sách, chi trả lương… của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tại Vietcombank Hà Tĩnh tăng cao. Để đảm bảo giao dịch diễn ra thuận lợi, đơn vị đã tăng cường thêm nhân lực phục vụ, bố trí phân luồng khách hàng để tiếp nhận, xử lý theo yêu cầu một cách khoa học. Cùng đó, Vietcombank thực hiện nới lỏng thời gian xử lý giao dịch trên hệ thống để phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Thảo – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, dù thời gian qua, ngân hàng đẩy mạnh truyền thông khách hàng mở tài khoản, giao dịch trên ngân hàng số VCB Digibank nên giao dịch trực tiếp tại quầy có giảm so với các năm trước; tuy vậy lượng khách hàng đến giao dịch tại quầy dịp cận tết vẫn cao. Do đó, ngoài thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để giải quyết giao dịch khách hàng trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu quá tải cục bộ, chi nhánh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng sử dụng ngân hàng số nhằm tiết giảm thời gian, hạn chế đi lại; tăng cường hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học, đảm bảo giao dịch online thông suốt.
Vietcombank Hà Tĩnh đang phục vụ hơn 256.000 khách hàng và có hơn 60% đang sử dụng ngân hàng số; riêng những khách hàng cá nhân mới tỷ lệ sử dụng ngân hàng số lên đến 92%. Để kích cầu giao dịch trên ngân hàng số, Vietcombank đã đầu tư chi phí cho công nghệ với giao diện hiện đại, dễ thao tác và miễn giảm phí chuyển tiền, giao dịch đối với khách hàng”.
Với số lượng khách hàng lớn, thời gian qua Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cũng triển khai nhiều giải pháp để gia tăng tỷ lệ khách hàng sử dụng ngân hàng số. Đến nay, đã có hơn 100.000 khách hàng của chi nhánh thường xuyên sử dụng các giao dịch qua app.
Theo đại diện Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, trong bối cảnh ngân hàng số ngày càng phát triển, từ ngày 1/11/2024, Agribank ra mắt Tài khoản Plus – một bước đột phá mới trong việc cá nhân hóa và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Tài khoản Plus giúp người dùng giao dịch nhanh chóng, an toàn và mang lại nhiều đặc quyền đặc biệt. Với mục tiêu đem lại trải nghiệm cá nhân hóa độc đáo, Tài khoản Plus cho phép khách hàng sở hữu số tài khoản bắt đầu bằng 8888 – kết hợp với số điện thoại của người dùng, tạo nên sự riêng biệt và dễ nhớ; qua đó góp phần gia tăng khách hàng sử dụng giao dịch trên ngân hàng số.
Tại MB Hà Tĩnh, số lượng người dùng có hoạt động trên các kênh giao dịch trực tuyến tính đến ngày 31/12/2024 là 135.000 khách hàng, tăng gần 13.000 khách hàng so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng giao dịch trên Internet Banking là hơn 38 triệu giao dịch, tăng so với cùng kỳ năm 2023 là 40%; số lượng giao dịch trên kênh số đã chiếm đến 99% tổng số giao dịch.
Ông Lê Đại Dương – Phó Giám đốc MB Bank Hà Tĩnh cho biết: Để gia tăng tỷ lệ khách hàng giao dịch online, MB Bank tập trung đào tạo nguồn lực đáp ứng thời đại công nghệ 4.0, xây dựng ứng dụng app MB đa dạng, tiện ích. Ngoài ra, MB Bank Hà Tĩnh chủ động liên kết các đơn vị (Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, Bưu điện tỉnh…) mở rộng và phát triển chất lượng dịch vụ theo hướng chuyển đổi số".
Chị Nguyễn Thị Thanh Mai (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chúng tôi mở cửa hàng kinh doanh điện tử nên thường xuyên giao dịch qua ngân hàng. Nhờ sử dụng ngân hàng số nên tất cả hoạt động, từ chuyển khoản, nạp và rút tiền, đóng nộp ngân sách, chi trả lương… đều thực hiện qua app, giảm thời gian, công sức đi lại.
Ngoài ra, các dịch vụ như đặt vé máy bay, khách sạn đến thanh toán mọi hóa đơn như điện, nước, đóng học phí cho con... chúng tôi đều thực hiện trên kênh ngân hàng số, tạo thói quen tiêu dùng hiện đại, tiện ích”.
Năm 2024, kết quả thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Toàn tỉnh hiện có 199 máy ATM (tăng 3 máy so với cuối năm 2023) với hơn 1.454 nghìn thẻ ATM (tăng hơn 365 nghìn thẻ so với thời điểm cuối năm 2023); có 1.346 máy POS và 43.756 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 148.070.411 món, tăng 19,87% so với cùng kỳ năm 2023 (với giá trị giao dịch đạt 983.480 tỷ đồng).
Thanh toán dịch vụ hành chính công đạt kết quả tích cực, các chỉ tiêu đều tăng và đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng đạt 87,7%; tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng và các đơn vị thu hộ đạt 88,18%; số tiền học sinh nộp học phí và các khoản thu qua tài khoản ngân hàng chiếm tỷ lệ 89% tổng số tiền thu; số tiền thu viện phí qua ngân hàng chiếm tỷ lệ 35,16% trong tổng số tiền thu viện phí; tỷ lệ số đối tượng an sinh xã hội chi trả qua tài khoản đạt 91,02%/tổng số đối tượng được hưởng; tỷ lệ số đối tượng hưởng lương hưu và chế độ BHXH chi trả qua tài khoản đạt 99,46%/ tổng số đối tượng hưởng.