Hải quân Hoa Kỳ trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới

Tin công nghiệp quốc phòng ngày 10/4: Hải quân Hoa Kỳ đã nhận được tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới với tên gọi Iowa.

Hải quân Hoa Kỳ đưa vào trang bị tàu ngầm hạt nhân mới; Nga trang bị hệ thống áo giáp đặc biệt cho xe chiến đấu BMP-3 là những nội dung của bản tin công nghiệp quốc phòng hôm nay ngày 10/4.

Hải quân Hoa Kỳ đưa vào trang bị tàu ngầm hạt nhân mới

Hải quân Hoa Kỳ đã nhận được tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới với tên gọi Iowa. Lớp tàu ngầm mới được thiết kế để mang tên lửa hành trình Tomahawk cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa.

Trang tin quân sự Defense News đăng tải, tàu ngầm mới dài 115m, do General Dynamics Electric Boat chế tạo, có thể lặn tới độ sâu khoảng 250m. Tàu ngầm có thể đạt tốc độ hơn 40 km/giờ.

Trong thông cáo báo chí, Hải quân Hoa Kỳ lưu ý rằng, Iowa được trang bị một khoang kín rộng rãi cho thợ lặn và một phòng ngư lôi có thể tái cơ cấu. Tàu ngầm có thể chở theo các phương tiện không người lái dưới nước.

Tàu ngầm hạt nhân Iowa. Ảnh: Defense News

Tàu ngầm hạt nhân Iowa. Ảnh: Defense News

Iowa trở thành tàu thứ 24 của lớp Virginia và là tàu ngầm thứ sáu thuộc phiên bản Block IV. Tàu ngầm có thể mang theo 12 tên lửa Tomahawk trong ống phóng dạng ổ quay.

Vào tháng 3/2025, ấn phẩm The National Interest của Mỹ cho biết, tàu ngầm diesel-điện Varshavyanka thuộc Dự án 636.3 của Nga trang bị tên lửa Kalibr, là một trong những loại tàu ngầm tốt nhất thế giới. Tàu ngầm thông thường như Varshavyanka khác biệt so với các tàu ngầm hạt nhân ở tầm hoạt động có giới hạn.

Nga trang bị hệ thống áo giáp đặc biệt cho xe chiến đấu BMP-3

Công ty cổ phần Hệ thống chính xác cao đã bàn giao thêm một lô xe chiến đấu bộ binh BMP-3 được trang bị khả năng bảo vệ bổ sung cho Lực lượng vũ trang Nga.

"Bảo vệ bổ sung bao gồm bộ gia cố áo giáp và lưới chắn thép, cũng như ô bảo vệ chống máy bay không người lái có thể lắp đặt và tháo dỡ nhanh chóng. Các xe được trang bị hệ thống vải hạn chế bộc nhiệt để giảm khả năng hiển thị trong quang phổ nhiệt và radar được làm bằng vật liệu không cháy", Công ty Cơ khí chính xác Liên bang Nga cho biết.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với hệ thống giáp mới. Ảnh: TASS

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với hệ thống giáp mới. Ảnh: TASS

Giám đốc công nghiệp cụm vũ khí, đạn dược và hóa chất đặc biệt của Tập đoàn nhà nước Rostec Bekkhan Ozdoyev cho biết, vào tháng 3/2025, các công ty con thuộc tập đoàn đã tăng sản lượng xe chiến đấu thêm 10% so với tháng 1 và tháng 2 và tổng cộng kể từ năm 2022, sản lượng các loại thiết bị này đã tăng gần gấp 3 lần.

Trước đó, kênh Telegram "Military Informant" đã thông tin về báo cáo của Viện nghiên cứu BT số 38 thuộc Bộ Quốc phòng Nga, trong đó nêu rõ xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley ODS SA của Mỹ vượt trội hơn xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Nga về các thông số kỹ thuật chính.

Cùng trong tháng 3/2025, Rostec cho biết, xe chiến đấu bộ binh BMP-2M với mô-đun chiến đấu Berezhok có tầm bắn gấp đôi xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ.

Ấn Độ mua thêm pháo tự hành Hàn Quốc

Trước đó, theo hợp đồng năm 2017, L&T và Hanwha Aerospace đã cung cấp 100 pháo tự hành K9 Vajra-T cho Quân đội Ấn Độ. Tập đoàn L&T của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất pháo tự hành K9 là Samsung Techwin (từ năm 2016 do Tập đoàn Hanwha kiểm soát với tên gọi Hanwha Techwin, hiện là Hanwha Aerospace) để cùng sản xuất pháo tự hành tại Ấn Độ và tiếp thị cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ vào tháng 3/2012.

Vào tháng 10/2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố pháo tự hành K9 là hệ thống pháo tự hành cỡ nòng 155mm/52 dành cho quân đội Ấn Độ sau hơn hai thập kỷ đấu thầu. Có thông tin cho biết, trong các cuộc thử nghiệm thực địa cuối cùng được tổ chức tại Ấn Độ vào năm 2014, K9 đã vượt qua đối thủ cạnh tranh chính của mình là pháo tự hành "Msta-SM" của Nga ở phiên bản xuất khẩu với cỡ nòng 155mm.

Pháo tự hành K9 Vajra-T của Ấn Độ. Ảnh: Getty

Pháo tự hành K9 Vajra-T của Ấn Độ. Ảnh: Getty

Vào tháng 5/2017, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã trao hợp đồng trị giá 4.600 tỷ Rupee (khoảng 710 triệu đôla) cho Larsen & Toubro để cung cấp cho quân đội Ấn Độ 100 pháo lựu tự hành K9 với tên gọi Ấn Độ là Vajra-T. Theo hợp đồng, 10 khẩu pháo tự hành K9 Vajra-T đầu tiên đã được giao dưới dạng hoàn thiện từ Hanwha của Hàn Quốc và được chuyển đến Ấn Độ vào tháng 4/2018.

90 khẩu pháo tự hành còn lại được lắp ráp tại Khu phức hợp hệ thống thiết giáp của L&T ở Hazira, Gujarat, từ linh kiện do Hanwha cung cấp với mức độ nội địa hóa tại Ấn Độ được cho là 50%. Việc giao hàng tất cả 90 hệ thống này đã hoàn tất vào tháng 2/2021.

L&T sản xuất thân xe, tháp pháo, cơ cấu nạp đạn, hệ thống kiểm soát hỏa lực, radar vận tốc đạn, hệ thống bảo vệ NBC, hệ thống điều hòa không khí và chữa cháy trong quá trình sản xuất này. Ngành công nghiệp Ấn Độ cũng cung cấp hệ thống dẫn đường BEL FOG, hệ thống nhìn ban đêm ảnh nhiệt và hệ thống liên lạc vô tuyến STARS-V Mk 3. Vajra-T cũng sử dụng bộ phận động cơ phát điện do Nam Phi sản xuất và súng máy Kord 12,7mm được nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, pháo tự hành của Ấn Độ còn được trang bị kính ngắm pháo thủ Safran MINEO DFSS đặc biệt để bắn trực tiếp khi cần.

Mới đây, Ấn Độ đã ký hợp đồng với đại diện Hàn Quốc trị giá 7.628,7 tỷ Rupee (890 triệu USD) để mua thêm 100 pháo tự hành Vajra-T mới. Việc giao hàng theo hợp đồng này sẽ được thực hiện từ cuối năm 2025 đến đầu năm 2028. Tất cả pháo tự hành mới sẽ được L&T lắp ráp tại cơ sở Hazira với mức độ nội địa hóa lên hơn 60%.

Kim Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-quan-hoa-ky-trang-bi-them-tau-ngam-hat-nhan-the-he-moi-382362.html
Zalo