Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước luôn trong tình trạng quá tải

Từ số liệu kết quả kiểm định chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục cho thấy, dù có đến 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hơn 10 tổ chức kiểm định nước ngoài, nhưng các trung tâm trong nước đang trong tình trạng quá tải. Lý do, nguồn lực kiểm định viên chưa phát triển theo yêu cầu thực tế, thiếu về số lượng theo từng nhóm, khối ngành và hạn chế về kinh nghiệm.

Cấp phép cho 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Huỳnh Văn Chương, từ khi có Luật Giáo dục Đại học và nhất là khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được ban hành năm 2018 đến nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản pháp luật để triển khai đối với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Qua công tác kiểm định chất lượng, hệ thống quản trị, quản lý của nhà trường từng bước thay đổi dẫn đến chuyển biến hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt là sự chuyển đổi từ mô hình đào tạo theo năng lực của nhà trường sang đào tạo theo chuẩn đầu ra, tiến tới theo năng lực của người học.

 Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Huỳnh Văn Chương

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Huỳnh Văn Chương

Cũng theo ông Chương, hoạt động kiểm định ở Việt Nam còn khá mới, được bắt đầu thực hiện thí điểm từ năm 2004; nhưng đến năm 2014 mới có 2 tổ chức kiểm định trong nước được thành lập và cấp phép hoạt động.

Các cơ sở giáo dục đại học đã ý thức rõ trách nhiệm kiểm định không chỉ để có được tấm giấy chứng nhận, mà coi đây là hoạt động thường xuyên của nhà trường để nâng cao chất lượng, đồng thời là một tiêu chí để tăng cường hội nhập quốc tế.

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã thành lập và cấp phép hoạt động cho tổng số 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước theo quy định của luật và nghị định có liên quan gồm: Thành lập và cho phép hoạt động đối với 4 trung tâm công lập; cho phép thành lập và hoạt động đối với 3 trung tâm tư theo đề nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và các doanh nghiệp; 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ GD-ĐT công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã góp phần tích cực vào việc triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, làm thay đổi nhận thức của cơ sở giáo dục đại học và xem hoạt động bảo đảm chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên.

Thông qua công cụ là các bộ tiêu chuẩn kiểm định cơ sở (111 tiêu chí) và kiểm định chương trình đào tạo (51 tiêu chí) có thể bao quát đến mọi mảng công việc của một cơ sở giáo dục đại học và không một đơn vị nào trong nhà trường lại đứng ngoài cuộc.

Việc ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tham gia kiểm định nước ngoài, được công nhận chất lượng là sự ghi nhận nỗ lực của các cơ sở này, cũng như cho thấy đang đi đúng theo kế hoạch bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 78/QĐ-TTg năm 2022.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 31.10, cả nước có 2.109 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (gồm 1.492 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 617 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài).

Có 208 cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng nhận kiểm định cơ sở, chiếm 85,9% tổng số cơ sở giáo dục đại học cả nước (gồm 196 cơ sở giáo dục đại học đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 12 cơ sở giáo dục đại học đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài).

Cùng với đó, dù có đến 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hơn 10 tổ chức kiểm định nước ngoài, nhưng, ông Huỳnh Văn Chương cho biết, các trung tâm trong nước luôn trong tình trạng quá tải. Lý do, nguồn lực kiểm định viên chưa phát triển theo yêu cầu thực tế, thiếu về số lượng theo từng nhóm, khối ngành và hạn chế về kinh nghiệm.

Vẫn còn tình trạng tư vấn, đánh giá của kiểm định chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà trường, đặc biệt trong những vấn đề mang tính chiến lược hay kinh nghiệm trong xây dựng phát triển chương trình đào tạo mang tính chuyên sâu, đặc thù.

 Lễ công bố và trao chứng nhật kiểm định chất lượng cho Trường ĐH Phenikaa

Lễ công bố và trao chứng nhật kiểm định chất lượng cho Trường ĐH Phenikaa

Theo đó, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, tích hợp các chính sách liên quan đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học để ngày càng tạo ra môi trường thuận lợi; bảo đảm các hoạt động này đi vào chiều sâu, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức kiểm định, giúp cho công tác công khai, giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo xu hướng tự chủ.

Đồng thời, tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng thông qua hỗ trợ phát triển đội ngũ kiểm định viên có năng lực, chuyên sâu và tiếp cận với môi trường kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc tế. Giúp các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức kiểm định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong thông qua việc xác định sứ mạng tầm nhìn và phát triển hệ thống quản trị kiểm soát nội bộ, mở rộng hợp tác quốc tế.

Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm định chất lượng giáo dục và phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện về cơ chế pháp lý, tài chính trong kiểm định, nhất là công tác đấu thầu tập trung vào chất lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thường xuyên, định kỳ cho các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và hợp tác quốc tế về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/trung-tam-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-trong-nuoc-luon-trong-tinh-trang-qua-tai-post397402.html
Zalo