Hải Phòng đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao

Với tiềm lực và những định hướng đúng đắn, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là giải pháp đột phá để Hải Phòng tăng tốc phát triển.

Hiện nay, Hải Phòng với 2 khu kinh tế (KKT) chiến lược là Đình Vũ - Cát Hải đang hoạt động hiệu quả và KKT ven biển phía Nam Hải Phòng đang trong giai đoạn khởi động, cùng với đó là mạng lưới 18 khu công nghiệp (KCN) hiện hữu trải rộng trên diện tích hơn 7.000 ha, Hải Phòng đã thành công kiến tạo một hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, năng động, có sức hút mạnh mẽ. Đây không chỉ là tập hợp các khu vực sản xuất riêng lẻ mà là một thể thống nhất, nơi các yếu tố hạ tầng, dịch vụ và sản xuất được kết nối chặt chẽ, tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Tổ hợp KCN DEEP C thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải. Ảnh: Huy Dung

Tổ hợp KCN DEEP C thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải. Ảnh: Huy Dung

Có thể thấy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái này có dấu ấn đậm nét của các nhà đầu tư hạ tầng KCN chuyên nghiệp và uy tín như Tổ hợp KCN DEEP C, Tràng Duệ, VSIP Hải Phòng, Nam Đình Vũ, Nam Cầu Kiền... Các nhà đầu tư này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc thu hút những dòng vốn đầu tư khổng lồ, cả trong và ngoài nước, mà còn tiên phong mang đến những chuẩn mực quốc tế về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và áp dụng các quy trình quản lý hiện đại, bền vững.

Chính sự đầu tư bài bản này đã tạo lập nền tảng vững chắc, thu hút hàng loạt các dự án sản xuất quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực then chốt như điện tử công nghệ cao, sản xuất thiết bị, cơ khí chính xác, logistics, và các ngành công nghiệp phụ trợ. Hải Phòng đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và khu vực như LG, Pegatron, Kyocera, Fuji Xerox, Bridgestone, GE, Pegatron, USI, Flat... cùng nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, AI, logistics thông minh.

Điểm nhấn đặc biệt tạo nên sức mạnh cạnh tranh vượt trội cho hệ sinh thái công nghiệp Hải Phòng chính là sự liên kết hữu cơ, chặt chẽ giữa KKT Đình Vũ - Cát Hải với các KCN và hệ thống cảng biển nước sâu Lạch Huyện. Cảng cửa ngõ quốc tế này, với các bến số 1 và 2 đã đi vào khai thác ổn định, chứng minh hiệu quả vượt trội, cùng các bến 3, 4, 5, 6 đã bắt đầu khai thác và các bến tiếp theo từ 7 – 12 đang trong lộ trình triển khai đầu tư. Tất cả đã và đang trở thành mắt xích logistics quan trọng bậc nhất miền Bắc.

Sự kết nối liền mạch này giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa, tạo thành một lợi thế cạnh tranh không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây. Nhờ thế liên hoàn KKT - KCN - Cảng biển này, Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển hàng đầu khu vực, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế của thành phố trở thành điểm đến tin cậy của hơn 840 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 48 tỷ USD. Đặc biệt, suất đầu tư trung bình đạt gần 11 triệu USD/ha đất công nghiệp, gấp 2,2 lần mức trung bình cả nước, cho thấy sức hấp dẫn vượt trội đối với các dự án đòi hỏi công nghệ cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tục tăng trưởng ấn tượng (trung bình trên 14% giai đoạn 2019-2024) không chỉ phản ánh sức sống của nền kinh tế mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt của các ngành công nghiệp.

Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Tập đoàn LG (với hệ sinh thái đầu tư gần 10 tỷ USD), Bridgestone (1,22 tỷ USD), Regina Miracle (1 tỷ USD), Pegatron (1 tỷ USD)... không chỉ là những con số về vốn mà còn là các hạt nhân công nghệ, mang theo năng lực R&D, quy trình sản xuất tiên tiến, văn hóa đổi mới sáng tạo và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đặc biệt là hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số.

Tập đoàn LG đã đầu tư vào KCN Tràng Duệ, TP.Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Tập đoàn LG đã đầu tư vào KCN Tràng Duệ, TP.Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh

Bên cạnh đó, việc KKT ven biển phía Nam Hải Phòng được thành lập, với quy hoạch lên đến 20.000 ha, không chỉ đơn thuần là việc mở rộng không gian phát triển mà thực sự đánh dấu một chương hoàn toàn mới, mang tính bước ngoặt chiến lược cho thành phố Cảng. KKT này được kỳ vọng sẽ trở thành một hạt nhân tăng trưởng thế hệ mới, nơi hội tụ công nghệ và nguồn lực đầu tư, tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế.

Tiềm năng của KKT ven biển phía Nam càng được nhân lên gấp bội khi được đặt trong một tổng thể phát triển hạ tầng đồng bộ và mang tầm vóc quốc tế. Việc hình thành đồng thời với các dự án như Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, hệ thống Cảng nước sâu Nam Đồ Sơn - cửa ngõ và trung chuyển quốc tế, cùng với việc thành lập một Khu Thương mại tự do với các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, sẽ tạo nên một tổ hợp phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại bậc nhất.

Tổ hợp này hứa hẹn tạo ra một lực hấp dẫn đầu tư chưa từng có, đặc biệt nhắm vào các dự án công nghệ cao, các trung tâm R&D, ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics thông minh, và các lĩnh vực kinh tế biển tiên tiến dựa trên nền tảng số và bền vững.

Hải Phòng ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, cảng biển và logistics. Ảnh: Huy Dung

Hải Phòng ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, cảng biển và logistics. Ảnh: Huy Dung

Hướng tới tương lai, Hải Phòng xác định một lộ trình phát triển rõ ràng: Đó là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình KCN, KKT sinh thái, thông minh, ứng dụng công nghệ số sâu rộng vào quản lý hạ tầng, dịch vụ công và kết nối doanh nghiệp. Cùng với đó là nâng cao vai trò chủ lực của hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế để tỷ lệ đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố đạt trên 90%. Thành phố đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 55% GRDP, và tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao đạt trên 70%. Tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp cũng được kỳ vọng tăng 20–22% mỗi năm. Đồng thời, kiên định mục tiêu thu hút các dòng vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) chất lượng cao, tập trung vào các dự án tạo ra giá trị gia tăng lớn và công nghệ lõi.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-day-manh-thu-hut-dau-tu-phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-cao-d275318.html
Zalo