Hai món quà đặc biệt trong đêm nghệ thuật 'Đất nước' tôn vinh Nhà văn hóa Lớn Nguyễn Đình Thi

Đêm nghệ thuật 'Đất nước' kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi vừa diễn ra tại Hà Nội một lần nữa nhắc công chúng nhớ về ông như một nhà văn hóa lớn, tài hoa trên nhiều lĩnh vực từ văn chương, sân khấu, âm nhạc và một con người với ' rất nhiều chữ tình' .

Nghệ sĩ Đăng Dương hát trong đêm nhạc.

Nghệ sĩ Đăng Dương hát trong đêm nhạc.

Chương trình, được tổ chức bởi Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Trường ĐH VHNT Quân đội, mang đến những giây phút ngập tràn cảm xúc.

1. Tại chương trình, khán giả được thưởng thức những tác phẩm, trích đoạn đặc sắc nhất của ông trên cả ba lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, thơ ca như đọc thơ Đất nước, Cách mạng, Chia tay trong đêm Hà Nội, Nhớ , trích đoạn kịch Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, hát Người Hà Nội cùng các bài hát do các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ ông...

Nguyễn Đình Thi là vị sứ giả của thơ văn nhạc kịch của một thời rừng rực chất cách mạng hào hùng. Vậy mà thơ ông vẫn lắng xuống suy tư ngẫm ngợi. Người đọc yêu thơ văn ông có lẽ vì sự giản dị gần gũi giàu tình cảm và cả sự sang trọng. Ông là nhà văn của tình yêu, của sự dấn thân, nhận đường. Đó là một dòng chảy liên tục nhất quán về một quan niệm nghệ thuật. Văn xuôi và kịch của ông giàu chất chính luận, gửi gắm nhiều ý tưởng thời đại, đặc biệt là hai vở kịch Rừng trúc và Nguyễn Trãi ở Đông Quan.

Rừng trúc viết năm 1978, là vở kịch lịch sử về cuộc chuyển giao quyền bính đầy bi kịch giữa nhà Lý và nhà Trần. Trong vở kịch này, sự tài hoa của nhà viết kịch Nguyễn Đình Thi được thể hiện rõ nét qua lời thoại của các nhân vật. Cả khán phòng đã lặng đi nghe đoạn độc thoại do NDND Lê Khanh trong vai Lý Chiêu Hoàng thể hiện. Lý chí cao thượng đã vượt lên trên nỗi đau cá nhân khi nhận thấy vận mệnh đất nước đang bị đe dọa trước vó ngựa rầm rập của quân Nguyên Mông. Vở diễn đã mang về Huy chương Vàng cho Nhà hát Tuổi trẻ tại hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1999.

Thính giả cũng ngỡ ngàng thích thú nghe trích đoạn Opera do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác chuyển thể vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi. Không ngờ những câu thoại tiếng Việt trong kịch Nguyễn Đình Thi khi hát Opera lại hay, nhuần nhuyễn và giàu âm điệu đến vậy. Vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan được đoàn kịch Trung ương dựng vào đầu năm 1980 trong dịp lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh Nguyễn Trãi. Với sự tài hoa, ở lĩnh vực nào Nguyễn Đình Thi cũng có những tác phẩm giá trị, từ thơ, văn xuôi, âm nhạc, kịch, đến lý luận văn học và triết học...

Max Russell - chắt của Nguyễn Đình Thi - thể hiện bài hát anh viết từ cảm hứng trước bài thơ Nhớ của cụ.

Max Russell - chắt của Nguyễn Đình Thi - thể hiện bài hát anh viết từ cảm hứng trước bài thơ Nhớ của cụ.

2. Đêm nghệ thuật Đất nước trở nên vô cùng đặc biệt và xúc động khi có hai tác phẩm âm nhạc của người thân-hậu duệ của nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi dành tặng riêng ông và đông đảo thình giả Hà Nội. Đó là tiết mục công bố sáng tác mới của chắt nội nhà văn Nguyễn Đình Thi – nhạc sĩ trẻ Max Russell với bài hát “ Tôi đang ở đây” do anh sáng tác nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - cháu nội của nhà văn Nguyễn Đình Thi xúc động chia sẻ: “Với đất nước, ông là nhà văn hóa lớn có nhiều cống hiến, nhưng khi ở nhà, ông là người ông vô cùng hiền từ và khiêm tốn. Tôi yêu nhất bài thơ Nhớ của ông. Trong đó có hai câu “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh”. Max Russell đã lấy cảm hứng từ bài thơ Nhớ này để sáng tác bài hát Tôi đang ở đây” .

Tiếng piano vang lên và lời bài hát vang lên đầy tình cảm, Max Russell vừa hát vừa độc tấu piano cùng dàn nhạc. Chất giọng nam cao trong trẻo hòa cùng tiếng piano tạo nên một dòng âm thanh huyền ảo ngân vang như một cuộc đối thoại huyền bí giữa chắt và cụ, giữa thế hệ trẻ hôm nay với di sản văn học nghệ thuật do Nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi để lại. Chắc hẳn Cụ Nguyễn Đình Thi vô cùng hạnh phúc và đang mỉm cười với cháu và chắt của mình.

Món quà tặng đặc biệt thứ hai là tác phẩm âm nhạc Chiều ấy do nữ nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu sáng tác. Chị hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là con gái của Nghệ sĩ Nhân dân Tuệ Minh, vợ của nhà văn Nguyễn Đình Thi trong 20 năm cuối đời. Nhạc sĩ nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu dành 10 năm tâm huyết để sưu tầm tư liệu và viết cuốn sách Nguyễn Đình Thi với âm nhạc. Cuốn sách được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Thi.

Nhạc sỹ Minh Châu kể kỷ niệm xúc động chị phổ nhạc bài thơ bố Nguyễn Đình Thi viết tặng cho mẹ của chị - NSND Tuệ Minh, người vợ gắn bó với Nguyễn Đình Thi những năm cuối đời.

Nhạc sỹ Minh Châu kể kỷ niệm xúc động chị phổ nhạc bài thơ bố Nguyễn Đình Thi viết tặng cho mẹ của chị - NSND Tuệ Minh, người vợ gắn bó với Nguyễn Đình Thi những năm cuối đời.

Trong đêm nghệ thuật Đất nước, nghệ sỹ ưu tú Đăng Dương đã thể hiện rất tình cảm bài hát Chiều ấy do Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu sáng tác. Hoàn cảnh bài hát ra đời thật vô cùng cảm động. Đó là những ngày cuối cùng khi nhà văn Nguyễn Đình Thi nằm trên giường bệnh, nhạc sỹ Minh Châu đã thực hiện lời hứa với người Cha thân yêu là phổ nhạc bài thơ Buổi chiều ấy - một kỷ niệm sâu sắc của ông với bà Tuệ Minh. Nhạc sĩ Minh Châu đã hát bài hát này cho cha Nguyễn Đình Thi nghe trên giường bệnh. Ông đã mỉm cười: “Phải rồi, đúng vậy đấy con ạ!”. Đây là bài hát cuối cùng ông đã nghe trước khi ông chìm vào hôn mê. Nguyễn Đình Thi đã thanh thản ra đi và để lại một di sản văn học nghệ thuật đồ sộ, mãi truyền cảm hứng cho con cháu và các thế hệ độc giả, thính giả yêu mến thơ văn và âm nhạc của ông.

Đêm nghệ thuật Đất nước khép lại với bài hát bất hủ Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi – một bản trường ca về Hà Nội: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây / Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...” Giai điệu mở đầu tha thiết, nhắc đến những địa danh quen thuộc, rồi dâng trào trong hình tượng Hà Nội anh hùng giữa khói lửa chiến tranh: “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời... Hà Nội vùng đứng lên.” Hà Nội được khắc họa như người anh hùng dân tộc với ý chí mạnh mẽ.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy- cháu nội nhà văn Nguyễn Đình Thi chia sẻ kỷ niệm về ông mình trong đêm nghệ thuật Đất nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy- cháu nội nhà văn Nguyễn Đình Thi chia sẻ kỷ niệm về ông mình trong đêm nghệ thuật Đất nước.

Nguyễn Đình Thi sáng tác Người Hà Nội năm 1947, khi mới 23 tuổi, trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp vừa bùng nổ. Từ đạn lửa ngút trời, ông đã mường tượng một Hà Nội chiến thắng. Tác phẩm từ đó trở thành biểu tượng âm nhạc về Thủ đô, hòa quyện hai nét hào hoa và anh hùng đặc trưng của người Hà Nội.

Đêm nghệ thuật đọng lại trong lòng khán giả dư âm về di sản lớn lao của Nguyễn Đình Thi – một cây đại thụ trong nền văn hóa Việt Nam, tấm gương sáng truyền cảm hứng cho thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/hai-mon-qua-dac-biet-trong-dem-nghe-thuat-dat-nuoc-ton-vinh-nha-van-hoa-lon-nguyen-dinh-thi-20250115082443689.htm
Zalo