Hai khâu đột phá - hai mũi giáp công xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại - Bài 1: Đúng đắn, kịp thời, sát nhiệm vụ
LTS: Đại hội Đảng bộ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 2 khâu đột phá: 'Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), tập trung vào vũ khí mới, hiện đại, góp phần hiện đại hóa Quân đội'. Quá trình thực hiện, hai khâu đột phá đã thực sự trở thành hai mũi giáp công đóng góp xứng đáng để Tổng cục CNQP và ngành CNQP Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ.
Xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của CNQP trong nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người chỉ huy trong Tổng cục CNQP luôn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT quân sự và các sản phẩm, góp phần xây dựng ngành CNQP tiến lên hiện đại.
Nội dung cụ thể, dễ triển khai
Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu, tuyên truyền về chủ trương, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Tổng cục CNQP được Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X xác định, Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP rất ủng hộ. Nhưng để có cái nhìn tổng thể, đánh giá đúng về quá trình thực hiện hai khâu đột phá, đồng chí Chính ủy Tổng cục CNQP đã đề nghị và tạo điều kiện cho các phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi tìm hiểu thực tế về công tác quán triệt, triển khai thực hiện nội dung này ở các nhà máy, xí nghiệp trong tổng cục.

Chỉ huy Phân xưởng N10 (Nhà máy Z129) giới thiệu với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về hiệu quả mà hai khâu đột phá mang lại trong thực tiễn đầu tư, sản xuất các chi tiết cơ khí có độ chính xác cực kỳ cao.
Đến Nhà máy Z129 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29), chúng tôi đã được nghe, được biết về chuyện bố trí sử dụng lao động rất “cân não” và những quyết định tăng tốc bức phá trong chuyên môn rất ấn tượng. Đầu năm 2020, tỷ lệ lao động gián tiếp của nhà máy khá lớn (hơn 42%) công việc đôi khi không chạy, năng suất lao động không được như mong muốn, đến nay lao động gián tiếp của nhà máy giảm xuống dưới 20%.
Để có kết quả này, Thượng tá Đinh Thị Hạnh, Trưởng phòng Tổ chức lao động và tập thể phòng đã nghiên cứu, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của trên, tích cực, chủ động tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy thực hiện bố trí lại, sử dụng lao động, xây dựng quy chế trả lương theo từng vị trí việc làm, theo đó năng suất, chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. Đến thời điểm hiện nay, Nhà máy Z129 đã đáp ứng tốt việc gia công các chi tiết cơ khí có độ chính xác 0,5µm (micrômét), đơn vị đảm bảo tốt việc hoàn chỉnh các chi tiết cơ khí có biến dạng phức tạp, độ chính xác cao. Theo đó doanh thu tăng cao, nếu như năm 2020 doanh thu của Nhà máy chỉ đạt 450 tỷ đồng, năm 2021 là 850 tỷ đồng, thì đến 2024 là hơn 2.100 tỷ đồng.
Ở Nhà máy Z173 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà), mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công ty kể về tình hình nhà máy những năm trước đây rất khó khăn, từ công việc đến hoàn thiện sản phẩm, nhưng nhờ có sự đầu tư về chất lượng lao động, kế hoạch sản xuất kinh doanh mà nhà máy đã vượt qua những khó khăn; làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại vững vàng “vươn ra biển lớn”, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đánh giá cao.
Điểm mấu chốt ở đây, theo anh Sơn đó chính là thực hiện tốt hai khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X các định. Các Đảng bộ trong tổng cục quán triệt, thực hiện, đó chính là hai mũi giáp công, phải tiến hành thường xuyên trong các Nhà máy, doanh nghiệp của Tổng cục, thời gian sau phải có cấp độ cao hơn thời gian trước, để đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành CNQP lưỡng dụng, hiện đại.

Công nhân Nhà máy Z173 say sưa hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi bàn giao phương tiện cho đối tác.
Đại tá Trần Thế Sơn rất tâm đắc về phương pháp quản lý nhân sự, quản lý sản xuất, chỉ đạo sản xuất, cũng như phát kiến những ý tưởng trong cải tiến công nghệ của nhà máy. Bởi những nội dung đó đều thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số, rất chính xác, rất tiện lợi, giảm rất nhiều công lao động, năng suất chất lượng theo đó cũng tăng cao, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện.
Làm rõ hơn về nhận định của anh Sơn, Thượng tá Đặng Công Trữ, Trưởng phòng Thiết kế công nghệ nhà máy lấy ví dụ, trước đây thiết kế một con tàu mất nhiều thời gian, bởi có nhiều xung đột giữa các ngành trong phương án bố trí hệ thống đi kèm rất dễ dẫn đến chồng chéo trong bố trí hệ thống bên trong con tàu. Nay thiết kế đưa lên phần mềm chuyên dụng, công nghệ 3D mô hình hóa, nên việc điều chỉnh, chỉnh sửa, triển khai sản xuất dễ dàng, hạn chế sai sót, theo đó xung đột giữa các ngành trong bố trí hệ thống phần ống (dầu, nước làm mát, sinh hoạt, điều hòa, thông gió), hệ thống điện, tích hợp vũ khí và khí tài bên trong của tàu rất ít xảy ra.
Ở các đơn vị chúng tôi có dịp khảo sát tìm hiểu: Nhà máy Z121, Z113, Z127 cán bộ, người lao động đều cho rằng, hai khâu đột phá là một định hướng rất đúng, rất phù hợp; nhiều nút thắt trong quản lý, quản trị doanh nghiệp được tháo gỡ; nhận thức về công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo VKTBKT đã được nâng lên rõ rệt. Có thể khẳng định, hai khâu đột phá là “kim chỉ nam” định hướng đưa lối, chỉ đường các đơn vị hành động và phát triển.
Theo Thiếu tướng Đinh Quốc Hùng, xác định các doanh nghiệp trong Tổng cục là lực lượng nòng cốt, trực tiếp trong tham gia sản xuất quốc phòng và kinh tế; với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ có tính đặc thù cao, nhất là trong sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong Quân đội, Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X xác định hai khâu đột phá cũng là cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng ngành CNQP lưỡng dụng, hiện đại; đồng thời khái quát sâu hơn, rõ hơn, triển khai cụ thể hơn về chiến lược phát triển doanh nghiệp CNQP.
Hai khâu đột phá với các nội dung rất cụ thể cần tập trung thực hiện là: Quản trị chiến lược sản xuất kinh doanh, tài chính, nhân lực và marketing; ứng dụng công nghệ số vào quản trị, điều hành doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tiết kiệm các chi phí; làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo VKTBKT cho sư đoàn bộ binh đủ quân; chuyển dịch dần từ nghiên cứu thiết kế theo mẫu, truyền thống (súng, đạn bộ binh và pháo binh...) sang nghiên cứu thiết kế, chế tạo VKTBKT tích hợp hệ thống, hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trang bị cho các quân binh chủng...
Có trọng tâm, có mũi nhọn
Xí nghiệp Cơ khí, Nhà máy Z131 (tên giao dịch là Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31) là đơn vị bảo đảm thiết bị năng lượng, dụng cụ công nghệ cho toàn nhà máy, đồng thời, sản xuất các bán thành phẩm cơ khí quốc phòng theo chỉ lệnh của nhà máy. Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Đảng ủy, Ban giám đốc xí nghiệp tự cân đối điều chuyển việc, điều chuyển người trong xí nghiệp. Từ đầu năm 2025 đến nay, Giám đốc Xí nghiệp điều chuyển hơn 50 lượt người, điều chuyển hơn 30 nhiệm vụ. Đối với Xí nghiệp Tổng lắp vũ khí, Nhà máy Z131 vào cuối 2023, đầu 2024, thực hiện nhiệm vụ tổng lắp đạn B41M, xí nghiệp đã điều chuyển và báo cáo cấp trên điều chuyển, tăng cường từ xí nghiệp khác đến hơn 100 lượt lao động.
Việc điều chuyển người để tập trung thực hiện một nhiệm vụ, ở một giai đoạn cụ thể nhằm mục đích cho công việc thuận lợi hơn, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao, không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z131 quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Cùng với đó, việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được nhà máy ưu tiên cho những ý tưởng từ bộ phận lao động trực tiếp để đầu tư nghiên cứu, sáng chế, vận hành. Chính vì sự ưu tiên này, Xí nghiệp Cơ khí hằng năm có hơn 250 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều xí nghiệp trong nhà máy có hơn 100 sáng kiến mỗi năm do người lao động thường xuyên tiếp xúc, vận hành các dây chuyền sản xuất thực hiện.

Thực hiện hai khâu đột phá, Nhà máy Z131 đã đầu tư nhiều dây chuyền hiện đại để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng và kinh tế. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương công nghệ châu Âu của nhà máy.
Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z131, Chủ tịch công ty tiết lộ, để làm sâu sắc hơn hai khâu đột phá, đơn vị xác định rõ mục tiêu “xây dựng thương hiệu các sản phẩm của nhà máy có uy tín trên thị trường”. Các nội dung của hai khâu đột phá được nhà máy thực hiện triệt để, nhưng có xác định mũi nhọn về sử dụng lực lượng, về nâng cao chất lượng sản phẩm. Toàn nhà máy phải đoàn kết thống nhất, thường xuyên đổi mới phát triển, hoàn thiện về công nghệ.
Anh Sơn lấy ví dụ về cạnh tranh lành mạnh hàng quốc phòng và hàng kinh tế, các doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đều áp dụng công nghệ hiện đại, hạ giá thành sản phẩm. Đòi hỏi nhà máy phải có chiến lược để sản phẩm của mình làm ra phải đảm bảo 4 hơn “đẹp hơn, rẻ hơn, tốt hơn, bền hơn”. Và điều anh Sơn nói, nhà máy Z131 đã làm được và làm rất tốt, nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới đã được áp dụng, nhiều loại đạn, vũ khí được tổng lắp hoàn chỉnh có chất lượng cao, theo đó uy tín của nhà máy ngày càng được nâng cao ở thị trường trong nước và quốc tế.
Mũi nhọn ở Nhà máy Z173 trong thực hiện 2 khâu đột phá, đó là xây dựng, hoàn thiện, triển khai triệt để Kế hoạch chiến lược doanh nghiệp. Một dẫn chứng được Ban giám đốc nhà máy đề cập rất đáng được ghi nhận, đó là mặt bằng sản xuất của nhà máy diện tích nhỏ so với quy chuẩn, trong khi đó nhà máy đang vận hành công nghệ đóng tàu chiến đấu, tàu kinh tế hiện đại, tiên tiến. Bởi vậy, dù không gian không được rộng, nhưng tất cả các con tàu không được phép chậm thời gian hạ thủy...
Ở Nhà máy Z121, Z195, Z183 chúng tôi khảo sát, tìm hiểu về kết quả thực hiện 2 khâu đột phá, các nhà máy đã xác định và thực hiện những trọng tâm, đó là: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành doanh nghiệp; chủ động rà soát, sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp, rà soát hợp lý hóa các chặng, dây chuyền nhằm tăng năng suất lao động; đầu tư các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, các dây chuyền lưỡng dụng đáp ứng cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, kinh tế và năng lực xuất khẩu; thực hiện nghiêm quy chế, quy định về quản lý tài chính và đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo lãnh đạo Tổng cục CNQP: Quán triệt thực hiện hai khâu đột phá, Đảng ủy, chỉ huy tổng cục, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã xác định những trọng tâm và mũi nhọn hướng vào tổ chức xây dựng được chiến lược và quy hoạch phát triển của các doanh nghiệp; sắp xếp lại, giảm lao động gián tiếp, quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mở rộng sản xuất kinh tế để giải quyết lao động dôi dư; tổ chức tốt các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị doanh nghiệp và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cơ quan và doanh nghiệp. Đầu tư củng cố cơ sở vật chất nghiên cứu, chế tạo; nâng cấp các dây chuyền sản xuất, tập trung vào hoàn thiện công nghệ chế tạo các sản phẩm còn có vướng mắc, bổ sung công nghệ để đưa kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí mới vào sản xuất loạt trang bị cho Quân đội. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm VKTBKT có hàm lượng khoa học công nghệ cao; chủ động phối hợp, mở rộng hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, chế tạo trong và ngoài Quân đội.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng cục CNQP chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo để nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Quân ủy Trung ương báo cáo Bộ Chính trị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo và ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-01-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
(còn nữa)
Bài và ảnh:THẮNG HÀ - CÔNG CHIỂN