'Huyền thoại Apple' cũng không thể cứu chúng ta khỏi cơn nghiện iPhone
Nhất là khi giải pháp lại là một thiết bị AI bỏ túi.

Jony Ive (trái) và Tim Cook năm 2018. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.
Là nhà thiết kế huyền thoại gắn bó với Apple suốt gần 3 thập kỷ, Jony Ive đang mang trong mình nỗi day dứt vì chính ông là người góp phần tạo ra iPhone. Đây là thiết bị biểu tượng cho một thế hệ sản phẩm và là chất xúc tác cho cuộc cách mạng smartphone, bùng nổ mạng xã hội trên toàn cầu.
Hiện tại, sau khi rời Apple và sáng lập công ty thiết kế riêng mang tên LoveFrom, Ive lại hợp tác với OpenAI để phát triển một thiết bị phần cứng lấy AI làm trung tâm. Theo Ive, thiết bị này được kỳ vọng sẽ giúp ông “chuộc lỗi” với xã hội vì đã tạo ra một thế giới quá lệ thuộc vào màn hình.
Trong cuộc phỏng vấn với Patrick Collison - CEO của Stripe - Ive đã thẳng thắn nói về “tình trạng nhiễu loạn” của thế giới hiện đại bị ám ảnh với smartphone.
Ông cho rằng mạng xã hội là một “căn bệnh” xã hội lớn hơn cả. Ive tránh đi sâu vào các chi tiết cụ thể về điều gì thực sự sai trái trong các ứng dụng hiện nay, ngoài những điều dễ thấy như sự cực đoan hóa quan điểm và lan truyền thông tin sai lệch.
Ive từng làm việc tại Apple trong suốt 27 năm và rời vị trí Giám đốc thiết kế vào năm 2019. Dấu ấn của ông trải dài từ iMac thế hệ đầu tiên cho đến iPod và sau đó là iPhone. Tất cả thiết bị này đều gắn liền với kỷ nguyên Steve Jobs.
“Khi bạn đổi mới, chắc chắn sẽ có những hệ quả không lường trước được. Nhưng với một vài sản phẩm mà tôi từng tham gia rất sâu sát, tôi nghĩ rằng có những hệ quả không mong muốn từ chúng. Chúng đều là những hệ quả không mấy dễ chịu. Vấn đề là dù không có chủ ý, tôi nghĩ mình vẫn có một phần trách nhiệm. Và điều đó đè nặng lên tôi”, Ive nói.
Hiện tại, thông tin về LoveFrom và thiết bị AI mà Ive đang phát triển vẫn còn rất mơ hồ. Ông đang cộng tác với nhà thiết kế Marc Newson và nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều nhà đầu tư tên tuổi. Song, vẫn tồn tại không ít nghi vấn.
Năm ngoái, thị trường đã trải qua làn sóng thiết bị AI cá nhân có tham vọng thay thế smartphone. Nhưng phần lớn trong số đó đã thất bại. Nổi bật nhất là Humane Ai Pin. Thiết bị này cho phép truy cập chatbot AI khi có kết nối Internet, nhưng hầu như không thể thực hiện trơn tru các tác vụ mà smartphone truyền thống đã làm quá tốt. Cuối cùng, Humane phải bán toàn bộ tài sản cho HP.
Một ví dụ khác là Rabbit R1. Thiết bị này từng hứa hẹn mang đến trải nghiệm AI đỉnh cao nhưng cuối cùng lại giống một món đồ chơi công nghệ có thiết kế lạ mắt, hơn là một công cụ thực sự hữu ích.
“Điều khiến tôi lạc quan về AI là rất hiếm khi có cuộc thảo luận nào về AI mà không kèm theo những lo ngại nghiêm túc về vấn đề an toàn”, Ive nói với Collison.
Các nghi ngại về trí tuệ nhân tạo tạo sinh quả thật vẫn đang gia tăng, về cả tác động xã hội, lẫn về câu hỏi liệu AI có thể thực hiện được tất cả những điều mà các tập đoàn công nghệ lớn hứa hẹn.
Theo Gizmodo, nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình phát triển AI bằng phương pháp huấn luyện hiện tại đang chậm lại. Chủ yếu là vì thiếu dữ liệu mới để “nuôi” các mô hình. Song, AI đã và đang gây xáo trộn không ít thiết chế xã hội.
Mới đây, tạp chí New York Magazine đưa tin nhiều học sinh sinh viên đang sử dụng chatbot AI để viết bài luận hàng loạt. Một số người thậm chí còn tinh vi đến mức cố tình thêm lỗi chính tả vào bài viết hoặc sử dụng nhiều chatbot khác nhau để vượt qua hệ thống phát hiện của giáo viên.
Đó là chưa kể đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn về bản quyền, hay nguy cơ mất việc hàng loạt trong các ngành nghề sáng tạo như viết lách, thiết kế, báo chí và nghệ thuật. Nếu thiết bị tiếp theo của Ive chỉ đơn thuần cho phép người dùng tương tác với một chatbot khác thì vẫn chưa đủ.