Hai 'điểm nghẽn' lớn nhất giữa Mỹ và Ukraine về thỏa thuận hòa bình
Tổng thống Trump nói rằng Moscow và Kiev 'rất gần' một thỏa thuận hòa bình, trong khi đó Ukraine muốn lệnh ngừng bắn phải được thực hiện trước khi có bất kỳ hành động nào khác.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc đàm phán giữa các quan chức Ukraine, Mỹ và châu Âu tại London (Anh) hôm 23-4, Ukraine cùng Pháp, Anh và Đức ký và gửi đến Đặc phái viên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine - ông Keith Kellogg về một đề xuất thỏa thuận hòa bình.
Đề xuất này nhằm phản hồi đề xuất trước đó mà Mỹ đưa ra trong cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ, châu Âu và Ukraine tại Paris (Pháp) vào ngày 17-4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hôm 28-2. Ảnh: AFP
Theo một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine, những điểm bất đồng chính giữa Mỹ và Ukraine về khuôn khổ nhằm chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine bao gồm các đảm bảo an ninh cho Ukraine và lập trường của Washington về vấn đề bán đảo Crimea, theo đài CNN.
Trong đề xuất về thỏa thuận hòa bình của Ukraine và châu Âu, Kiev nhấn mạnh rằng nước này muốn có sự đảm bảo an ninh không chỉ từ châu Âu mà còn từ Mỹ. Tuy nhiên, khuôn khổ ban đầu của Mỹ cho biết rằng sự đảm bảo an ninh vững chắc cho Ukraine sẽ chỉ đến từ châu Âu.
Đề xuất của Mỹ trong thỏa thuận hòa bình nói rằng Washington sẵn sàng công nhận về mặt pháp lý việc bán đảo Crimea thuộc Nga, đồng thời thừa nhận trên thực tế sự kiểm soát của Moscow đối với các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia của Ukraine mà Nga đã sáp nhập vào năm 2022. Những đề xuất này đều bị phía Ukraine kiên quyết bác bỏ.
Trong cuộc phỏng vấn của tạp chí TIME, ông Trump đã công khai nói rằng Crimea đã thuộc về Nga từ lâu, đồng thời cho rằng “mọi người đều hiểu” Ukraine khó có thể thu hồi được vùng lãnh thổ này.
“Crimea sẽ tiếp tục ở lại với Nga” - ông Trump nói.
Ngoài ra, trong đề xuất mới, Ukraine muốn lệnh ngừng bắn phải được thực hiện trước khi có bất kỳ hành động nào khác. Yêu cầu cả hai bên phải cam kết ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện được nêu ở đầu đề xuất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Saul Loeb/AFP
Tuy thế, Ukraine phần lớn đồng ý với một số điểm trong khuôn khổ ban đầu của Mỹ, bao gồm: dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga đã được áp dụng từ năm 2014 mà Ukraine cho rằng nên diễn ra dần dần sau khi kế hoạch hòa bình được các bên chấp nhận; Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); đóng băng tiền tuyến; và Ukraine giành lại quyền kiểm soát khu vực xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.
Mặc dù vẫn còn những khác biệt, các bước mà Ukraine đã thực hiện để tham gia hiệu quả vào các cuộc đàm phán là rất quan trọng, theo nguồn tin.
Các bên liên quan trong thông tin trên của Reuters chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Dù vậy, Tổng thống Trump ngày 25-4 nói rằng Nga và Ukraine "rất gần với một thỏa thuận" chấm dứt chiến sự, đồng thời kêu gọi hai bên gặp nhau "ở cấp độ rất cao".
“Hầu hết các điểm chính đã được nhất trí. Hãy dừng đổ máu, ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ ở bất cứ nơi nào cần thiết để giúp tạo điều kiện kết thúc cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa này” - Tổng thống Trump nói thêm.