'Tại sao người Việt Nam có khao khát thống nhất Tổ quốc mạnh mẽ đến vậy?'

Đó là câu hỏi mà con trai ông Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ những năm 1961 - 1968 đặt ra cho cha mình trong tập 1 phim tài liệu 'Cuộc đọ sức của ý chí'.

Tập đầu tiên của bộ phim Cuộc đọ sức của ý chí vừa lên sóng trên VTV1 đặc biệt tối 25/4. Bộ phim là hành trình của Craig McNamara, con trai ông Robert McNamara, tác giả cuốn Because our fathers lied (Vì cha chúng tôi nói dối), tìm lại sự thật của cuộc chiến tại Việt Nam.

"Tôi là Craig McNamara, nông dân trồng hạt óc chó, hạnh nhân và ô liu tại California, Mỹ. Thế nhưng, cuộc đời người nông dân như tôi lại liên quan đến một cuộc chiến cách xa nước Mỹ đến nửa vòng trái đất - cuộc chiến tranh tại Việt Nam", ông Craig mở đầu phần giới thiệu.

Ông Craig McNamara.

Ông Craig McNamara.

Theo lời kể của Craig McNamara, cha ông, Robert McNamara, đã ngồi trên chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng trong 8 năm, dưới thời Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson, chỉ đạo cuộc chiến tại Việt Nam: "Chiếc ghế này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tôi. Từ chiếc ghế này, ông đưa ra những quyết định đã thay đổi ông mãi mãi, thay đổi tôi mãi mãi, thay đổi quốc gia và cả thế giới này mãi mãi".

"Vào tháng 5/1995, cha tôi nói rằng chúng tôi đã sai, một sai lầm khủng khiếp và chúng tôi nợ các thế hệ tương lai lời giải thích tại sao. Nhưng cha ơi, cha đã bao giờ đến Việt Nam và hỏi người dân Việt Nam tại sao hay chưa? Tại sao chúng ta sai? Tại sao người Việt Nam có khao khát thống nhất Tổ quốc mạnh mẽ đến vậy?

Lần này, tôi sẽ quay trở lại lịch sử, đến Việt Nam để lắng nghe, để khiêm tốn học hỏi và để cố gắng trả lời câu hỏi đó trong khả năng của mình", Craig McNamara nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.

Đầu thập niên năm 1960, nước Mỹ bước vào một trong những giai đoạn căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh. Tổng thống mới đắc cử John F. Kennedy muốn đẩy mạnh cuộc đua vũ trang tại Việt Nam để biến miền Nam Việt Nam thành "tấm lá chắn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á". Ông ta cần một nhân vật ưu tú nắm giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Người mà Kennedy nhắm tới là cái tên nổi bật trong làng tài chính Mỹ khi đó - tân Chủ tịch tập đoàn Ford Motor, Robert McNamara.

Và Robert McNamara bước vào vị trí mới của mình với góc nhìn của một nhà kinh tế. Với ông ta, điều hành quân sự cũng giống như bài toán kinh doanh - chỉ xoay quanh chi phí và lợi nhuận. McNamara ngay lập tức ra tay cải tổ toàn diện quân đội Mỹ, bao gồm việc hiện đại hóa đến mức tối tân cho tất cả các quân chủng, mở rộng quy mô cho quân đội và cắt giảm triệt để những gì lỗi thời, kém hiệu quả.

Ở Việt Nam lúc đó, sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập năm 1960, lực lượng cách mạng miền Nam liên tục phát triển lớn mạnh, nổi dậy cướp chính quyền ở khắp nơi, trở thành mối đe dọa mà người Mỹ không thể coi nhẹ.

Trong báo cáo tối mật gửi Tổng thống Kennedy, Rober McNamara khẳng định: "Việc để mất miền Nam Việt Nam sẽ phá hủy uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế".

Sau vô số tính toán, bộ máy của McNamara lần lượt đưa ra 2 bản kế hoạch Staley và Taylor, làm nên nền tảng của cuộc chiến tranh đặc biệt với hai chiến lược chính: Tăng cường vũ khí hiện đại và huấn luyện cho quân đội Sài Gòn. Bộ máy của McNamara đưa ra mục tiêu bình định hoàn toàn miền Nam Việt Nam chỉ trong 18 tháng.

Thiếu tướng Edward Lansdale - phụ trách CIA miền Nam Việt Nam - cố gắng thuyết phục Robert McNamara bổ sung vào bản kế hoạch bình định "yếu tố X - cảm xúc con người", nhưng đã bị bỏ qua, vì ông chỉ tin vào dữ liệu. Trong chuyến đi Việt Nam tháng 5/1962, McNamara đưa ra một tuyên bố sẽ được nhắc lại suốt nhiều năm sau: "Mọi tính toán định lượng đều cho thấy chúng ta đang thắng cuộc chiến này".

Nhưng kết quả là tất cả các con bài của Robert McNamara đều bị đánh bại. Tháng 11/1967, ông ta đề xuất ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và thôi gửi lính Mỹ tới chiến trường, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Chưa đầy 3 tuần sau đó, Robert McNamara tuyên bố từ chức.

Robert McNamara đã bỏ qua yếu tố X.

Robert McNamara đã bỏ qua yếu tố X.

Để biết nhiều hơn về lý do cha mình thất bại, Craig McNamara đến Việt Nam và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh. Ông ở Việt Nam 8 ngày, đi 6 tỉnh thành, thăm lại những nơi gắn với cha mình trong thời gian chiến tranh.

"Các anh chị mất cha, còn với tôi, cha tôi đã đưa ra những quyết định thay đổi mãi mãi tiến trình lịch sử và tôi cũng mất cha, nhưng theo một cách khác. Tôi không bao giờ có khả năng giao tiếp với ông để hiểu tại sao ông lại là kiến trúc sư của cuộc chiến tranh tại Việt Nam", ông Craig McNamara nói.

Ông Craig McNamara đã sang Việt Nam trong 8 ngày.

Ông Craig McNamara đã sang Việt Nam trong 8 ngày.

Cuộc đọ sức của ý chí nằm trong khung phim VTV đặc biệt. Bộ phim gồm 2 tập, được phát trên kênh VTV1 vào 20h10 ngày 25/4 và 30/4 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc đọ sức của ý chí được thực hiện bởi ê-kíp của Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam.

Nói về bộ phim trước ngày phát sóng, nhà báo Lê Hoàng Linh - đại diện cho ê-kíp cho biết: “Qua góc nhìn của người Mỹ, bộ phim sẽ khắc họa một cách chân thực và sống động sự kiên gan, anh dũng, ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam, tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo Việt Nam kiệt xuất đã dám đương đầu với siêu cường quân sự số một thế giới để tạo nên một mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, làm rung chuyển thế giới”.

Ngọc Thanh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tai-sao-nguoi-viet-nam-co-khao-khat-thong-nhat-to-quoc-manh-me-den-vay-ar939986.html
Zalo