Tranh chấp hồi tố giá FIT, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chịu trách nhiệm
Bộ Công Thương vừa kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo EVN khẩn trương xử lý vướng mắc giá FIT, đảm bảo hài hòa lợi ích và ổn định môi trường đầu tư năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương xử lý vướng mắc điện tái tạo theo Nghị quyết 233. Ảnh: Quỳnh Danh.
Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình về việc tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách giá FIT đối với các dự án điện năng lượng tái tạo, theo Nghị quyết số 223 của Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liên tục gửi nhiều văn bản báo cáo kết quả rà soát, xử lý các dự án điện mặt trời nổi trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Đáng chú ý, báo cáo mới nhất của EVN ngày 12/4 cho thấy vẫn còn 172 nhà máy hoặc phân nhà máy điện mặt trời, điện gió chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu tại thời điểm được công nhận vận hành thương mại (COD).
Trong số này, 159 dự án đã có văn bản nghiệm thu nhưng được ban hành sau ngày COD và 14 dự án còn lại đến nay chưa có văn bản nghiệm thu nào, cũng không tham gia họp với EVN. Đối với các trường hợp này, EVN đang tạm dừng thanh toán.
Tại các cuộc đối thoại giữa EVN và chủ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng tại thời điểm công nhận COD, quy định pháp luật chưa yêu cầu bắt buộc phải có văn bản nghiệm thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc chậm ban hành văn bản nghiệm thu, nếu có, được xem là vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và các chủ đầu tư đã chủ động khắc phục, nộp phạt theo quy định.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư khẳng định đã gửi đầy đủ hồ sơ nghiệm thu trước thời điểm COD, nhưng do dịch Covid-19, các cơ quan chức năng không thể thực hiện kiểm tra hiện trường, dẫn tới việc văn bản chấp thuận nghiệm thu được phát hành muộn.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 15/4 do Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chủ trì, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết các nhà đầu tư tham gia đối thoại đều không đồng thuận với phương án xử lý giá FIT mà EVN đề xuất.
Mặt khác, qua làm việc với các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài như EuroCham và ThaiCham, Bộ Công Thương cũng nhận thấy các hiệp hội đều cảnh báo nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Công Thương nhấn mạnh dù EVN đã gửi nhiều báo cáo để Bộ Công Thương tổng hợp, nhưng Bộ đánh giá các nội dung này chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 233. Theo nghị quyết, phương án xử lý cần phải đảm bảo tính tối ưu trên cơ sở phân tích, so sánh tác động kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế tranh chấp pháp lý, đảm bảo an ninh năng lượng và hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Cơ quan quản lý cho biết đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, yêu cầu EVN khẩn trương hoàn tất báo cáo xử lý vấn đề áp dụng giá FIT đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương nhìn nhận quá trình triển khai Nghị quyết 233 đã được Bộ chủ động thực hiện thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy tiến độ giải quyết khó khăn cho các dự án điện gió, điện mặt trời.
Do đó, Bộ kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo EVN khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, sớm hoàn thành, báo cáo kết quả theo quy định về nội dung hưởng giá FIT các dự án điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp.
Trong đó, với các trường hợp nghiệm thu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, EVN cần kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu và báo cáo Bộ Công Thương phương án đề xuất, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các dự án điện gió và điện mặt trời, EVN phải báo cáo rõ ràng, chịu trách nhiệm toàn diện về phương án lựa chọn, đảm bảo phù hợp với pháp luật, đồng thời giảm thiểu rủi ro tranh chấp, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và bền vững cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.