Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình
Nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh đang mang đến những giá trị mới, mở ra tiềm năng lớn cho nền sản xuất hiện đại ở Hà Tĩnh.
Nâng tầm giá trị sản phẩm
Vụ xuân 2025, vùng sản xuất 5 ha ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (TP Hà Tĩnh) đã chính thức được cấp chứng nhận theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ. Sức người, lòng kiên trì với phương thức sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường đã làm nên những mùa vàng bội thu cho bà con nơi đây.
Ông Nguyễn Kỳ Việt (thôn Bình Quang) chia sẻ: “Bà con chúng tôi đã hơn 2 năm áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, dùng phân bón cho sản xuất hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật… Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất truyền thống trên 400.000 đồng/sào”.
Trên cánh đồng rộng 10 ha của thôn 2, thôn 3 (xã Xuân Lam, Nghi Xuân), vụ xuân này là mùa thứ 5 liên tiếp người dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi. Những mùa vàng với hạt gạo thơm ngon, hệ sinh thái tự nhiên phục hồi, con rươi, con cáy xuất hiện nhiều hơn đang là động lực cho bà con kiên định trong hành trình hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam (Đức Thọ) chia sẻ: “Sau hơn 2 năm bền bỉ, đất đã không phụ công người. Điều quan trọng là bà con nơi đây đã từ bỏ tập quán, tư duy canh tác cũ trong sản xuất nông nghiệp. Với tinh thần làm nông trung thực, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đạt chuẩn và đảm bảo được chất lượng sản phẩm đang tiếp bước cho bà con trên hành trình xây dựng thương hiệu gạo rươi đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô tập trung 80 ha”.
Ngược ngàn những ngày áp Tết, những vườn cam rực vàng ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… đang vào cao điểm thu hoạch. Vài năm trở lại đây, quy trình sản xuất như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững được áp dụng ngày càng nhiều vào trồng cây ăn quả. Cùng với xây dựng thương hiệu OCOP, cây cam đang từng bước “định vị” được chất lượng, uy tín trên thị trường.
Vụ cam Tết năm nay, Tổ hợp tác (THT) Thanh Bình (xã Đức Lĩnh, Vũ Quang) đón niềm vui thắng lợi khi chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Những vườn cam chín mọng giữa bạt ngàn đồi núi càng làm bà con thêm tin tưởng vào phương thức sản xuất mới. Anh Lê Doãn Hùng - thành viên THT Thanh Bình chia sẻ: “Với 3 ha, chúng tôi tuân thủ hoàn toàn quy trình sản xuất hữu cơ, áp dụng các tiến bộ KHKT. Nhờ đó, đất trở nên tơi xốp, cây cam chắc khỏe, chống chịu được sâu bệnh. Năng suất cam đạt 6-8 tấn/ha, lợi nhuận dự kiến tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường. Sản xuất hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường đất, nước bền vững được xác định là hành trình và cũng là đích đến mà chúng tôi lựa chọn”.
Tại Hà Tĩnh cũng xuất hiện những doanh nghiệp (DN) tiên phong cho sứ mệnh mới, gắn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn với phát triển xanh, bền vững. Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) là một trong những đơn vị như thế. Đến nay, tổng diện tích gieo cấy lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ là hơn 500 ha, trong đó có 100 ha sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị khép kín Tập đoàn Quế Lâm. Đối với cây trồng có múi, công ty hợp tác trồng, chăm sóc trên 600 gốc cam và 200 gốc ổi theo phương pháp hữu cơ tại huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc. Tập đoàn cũng triển khai thành công 20 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học.
Năm 2025, công ty tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn tại Hà Tĩnh. Trong đó, đưa diện tích lúa được chuyển giao sản xuất theo quy trình hữu cơ an toàn Quế Lâm 800 ha, tăng 50% so với năm 2024. Diện tích liên kết sản xuất chuỗi lúa gạo hữu cơ là 220 ha; chú trọng phát triển các loại cây ăn quả như vú sữa, dưa hấu, cam, bưởi... xây dựng và phát triển các cửa hàng tiêu thụ nông sản hữu cơ thuộc mạng lưới liên kết với công ty.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 93,52 ha sản xuất được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN đang còn hiệu lực, trong đó: 11 ha lúa, 4,3 ha rau các loại, 38,5 ha cam, 6,7 ha bưởi, 29,3 ha vườn cây ăn quả hỗn hợp, 3,72 ha hồng. Diện tích đang thực hiện theo hướng hữu cơ là 291,43 ha với các loại cây trồng: lúa, rau, củ, quả, nuôi trồng thủy sản… Các địa phương có thế mạnh như: Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên… đã có những định hướng cụ thể trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn.
Sự chuyển dịch tích cực này đã đóng góp vào kết quả phát triển chung của toàn ngành với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 3,8% (vượt kế hoạch đề ra năm 2024 là 2,1%); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt 100,5 triệu đồng/ha; duy trì tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.
Khai thác đa giá trị gắn với phát triển bền vững
Năm 2024, UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030”. Đề án không chỉ mở ra cơ hội cho nông nghiệp hữu cơ, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hiện thực hóa chủ trương lớn, TP Hà Tĩnh đang tiếp tục tập trung phát triển nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái bền vững. Ông Trần Quang Hưng - Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Các HTX tiếp tục đóng vai trò trọng tâm, đầu tư và tổ chức sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết và từng bước hình thành hệ sinh thái đa dạng. Mô hình nông nghiệp đô thị như: mô hình kết hợp lúa - tôm - cá - cua; “công viên nông nghiệp sinh thái”; sản xuất chuỗi lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải; liên kết sản xuất, chế biến bột rau hữu cơ... góp phần hình thành nền kinh tế đa giá trị, tăng trưởng xanh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái”.
Đề án nông nghiệp hữu cơ cũng đã tạo điều kiện, động lực để tiếp tục mời gọi các DN đầu tư xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP Huế) cho biết: “Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương, bà con nông dân xây dựng, mở rộng các mô hình phát triển bền vững; tổ chức cho nông dân và cán bộ tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn thuộc hệ sinh thái Quế Lâm; đào tạo về kỹ thuật sản xuất hữu cơ; nghiên cứu thu mua sản phẩm của người dân theo định hướng của công ty… Qua đó, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, an toàn; nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế trong phát triển nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tái tạo lại nguồn sinh thái cho đất sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Thường trực Sở NN&PTNT: “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2030 đã thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển KT- XH, góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển. Ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững; chú trọng sản xuất nông nghiệp sinh thái/nông nghiệp “thuận thiên”, nông nghiệp tuần hoàn và phát triển kinh tế nông thôn. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại địa phương; chú trọng tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, THT với DN; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&KT"…
Với sự đồng hành của chính quyền và DN, ý chí của người dân, Hà Tĩnh đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.