Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng leo thang, nhà thầu và người dân lao đao
Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao đang đẩy các nhà thầu và người dân vào thế khó. Nhiều dự án buộc phải điều chỉnh tiến độ, cắt giảm quy mô hoặc tạm dừng thi công do chi phí đội lên ngoài dự kiến.
Thị trường 3 lần tăng giá vật liệu
Ngày 13/5, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết: "Việc giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao, tác động tiêu cực đến đầu tư công và đầu tư xây dựng nói chung.
Sự biến động này có thể dẫn đến tăng chi phí đầu tư hoặc khiến một số nhà thầu không thể hoàn thành hợp đồng".

Nhiều công trình bị ảnh hưởng do giá VLXD tăng liên tục.
Ghi nhận của phóng viên Báo Xây dựng ngày 13/5 cho thấy, giá VLXD tại TP Hà Tĩnh đang có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, thép cuộn tăng 160 đồng/kg, từ 15.125 đồng lên 15.285 đồng/kg; thép thanh vằn tăng 195 đồng/kg, từ 15.200 đồng lên 15.395 đồng/kg.
Giá xi măng cũng điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/tấn. Hiện, xi măng Hoàng Long và Hà Trung (mác 30 - 40) có giá từ 1,25 – 1,35 triệu đồng/tấn; xi măng Hải Phòng ở mức 1,6 triệu đồng/tấn; xi măng Yên Bình dao động từ 1,3 – 1,4 triệu đồng/tấn. Giá bán có sự chênh lệch theo từng vùng do phụ thuộc vào chi phí vận chuyển.
Các loại VLXD khác như gạch, cát cũng tăng đáng kể. Gạch đặc loại 10 tăng từ 1.420 đồng lên 1.800 đồng/viên; gạch đặc loại 15 từ 2.600 đồng lên 3.000 đồng/viên.
Cát thường tăng từ 270.000 đồng lên 320.000 đồng/m³; cát nền từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng/m³; cát đổ bê tông từ 270.000 đồng lên 300.000 đồng/m³.
Tình trạng tăng giá diễn ra liên tục, thậm chí có thời điểm khan hiếm, một số đơn vị cung cấp không nhận đặt cọc trước. Nhiều hộ dân buộc phải điều chỉnh tiến độ xây dựng nhà ở vì chi phí đội lên so với dự toán ban đầu.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh VLXD và nhà thầu trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường đã ghi nhận 3 đợt tăng giá VLXD.
Qua khảo sát, mức tăng trung bình của các loại vật liệu như sắt, thép, xi măng, gạch, đá… lên tới khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực lớn cho các công trình đầu tư công và tư nhân.
Nhà thầu và người dân cùng lao đao
Giá VLXD liên tục tăng trong thời gian qua đã tác động mạnh đến ngành xây dựng, đặc biệt là các nhà thầu và hộ dân đang thi công, sửa chữa công trình nhà ở. Nhiều người buộc phải tạm dừng thi công hoặc chấp nhận chi phí đầu tư đội lên so với dự toán ban đầu.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi đang xây căn nhà 2 tầng với diện tích khoảng 200m², dự kiến phần thô khoảng gần 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vật liệu tăng cao khiến chi phí vượt dự toán. Không chỉ sắt, thép, xi măng tăng giá mà các thiết bị điện, nước cũng đội lên, khiến gia đình tôi bị động trong việc xoay xở nguồn vốn”.
Không chỉ người dân, các doanh nghiệp xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn. Giá VLXD tăng khiến chi phí đầu vào đội lên, làm giảm lợi nhuận.
Đáng lo ngại, với các công trình ký hợp đồng khoán trọn gói, nhà thầu phải tự gánh khoản chênh lệch, dẫn đến nguy cơ thua lỗ hoặc không thể đảm bảo tiến độ thi công.

Công trình thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát chậm tiến độ vì giá VLXD tăng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Công nghệ Nhật Nam cho biết: “Giá thép tăng kéo theo nhiều loại vật liệu như gạch, cát, đá, thiết bị hoàn thiện và nội thất cũng đồng loạt tăng.
Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch xây nhà, còn các nhà thầu như chúng tôi thì phải bù lỗ, nhất là với những hợp đồng trọn gói ký từ trước, chưa lường được biến động giá”.
Bên cạnh đó, thị trường xây dựng cũng có dấu hiệu chững lại khi một số khách hàng tạm hoãn thi công, cắt giảm quy mô hoặc chuyển sang sử dụng vật liệu giá rẻ để phù hợp túi tiền.
Ông Phan Đăng Hùng - đại diện Công ty CP Phát triển Công nghiệp – Xây lắp Hà Tĩnh, cho hay: “Chi phí xây dựng hiện đã tăng khoảng 20–30%. Để giảm áp lực, doanh nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tối ưu thiết bị thi công nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế ảnh hưởng tới tiến độ các dự án”.
Giá thép và VLXD tăng đúng thời điểm nhiều địa phương đang tập trung xóa nhà tạm, sửa chữa nhà dân khiến người dân càng thêm khó khăn, đặc biệt khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hà - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh, cho biết: “Sở đã chủ động cập nhật giá VLXD định kỳ để áp dụng kịp thời cho các công trình sử dụng vốn ngân sách. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp. Về phía nhà thầu, cần nâng cao năng lực dự báo, quản trị rủi ro và nguồn lực để ứng phó với biến động thị trường”.