Hà Tĩnh: Dự án 8 góp phần thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc Chứt

Được triển khai từ năm 2021 tại hai bản đặc biệt khó khăn của đồng bào dân tộc Chứt là Rào Tre (xã Hương Liên) và Bản Giàng (xã Hương Vĩnh) thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống xã hội, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em dân tộc Chứt.

 Truyền thông chuyên đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” cho phụ nữ dân tộc Chứt tại 2 xã Hương Liên, Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) vào tháng 12/2024.

Truyền thông chuyên đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” cho phụ nữ dân tộc Chứt tại 2 xã Hương Liên, Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) vào tháng 12/2024.

Những chuyển động tích cực

Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được triển khai tại bản Rào Tre (xã Hương Liên) và bản Giàng (xã Hương Vĩnh) - hai bản thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt với dân số ít, điều kiện kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ dân trí thấp và những rào cản về nhận thức giới còn nặng nề.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Hội LHPN huyện Hương Khê trực tiếp tổ chức triển khai các hoạt động phù hợp với đặc thù từng địa bàn.

Hai mô hình trọng điểm được thành lập trong khuôn khổ Dự án gồm: Tổ truyền thông cộng đồng tại Rào Tre và Bản Giàng (thành lập từ năm 2022), và Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại bản Rào Tre (ra mắt năm 2024).

Hội LHPN xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) ra mắt mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tháng 7/2024.

Hội LHPN xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) ra mắt mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tháng 7/2024.

Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ở bản Rào Tre giảm mạnh từ 100% (năm 2019) xuống còn 17,7% (năm 2024); ở bản Giàng giảm từ 85,7% xuống còn 77,7%. Tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà, di cư lao động, hay bị bạo lực gia đình cơ bản không còn. Đặc biệt, các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã được đẩy lùi hoàn toàn.

Tổ truyền thông với 7 - 8 thành viên là người có uy tín tại cộng đồng, đã thực hiện hàng quý các buổi tuyên truyền về xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết thống, hướng dẫn kỹ năng sống, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi dạy con. Riêng Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" gồm 23 học sinh trong độ tuổi 10 - 16 đã trở thành môi trường giáo dục ngoài giờ hiệu quả, nơi trẻ em dân tộc thiểu số được học hỏi kỹ năng tự bảo vệ, phát huy tiếng nói cá nhân, và xây dựng lối sống lành mạnh, trách nhiệm.

Dẫn trình viên là cán bộ Hội Phụ nữ hỗ trợ trực tiếp nội dung sinh hoạt, bảo đảm sự đồng hành sát sao trong từng hoạt động.

Hội LHPN xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) tổ chức truyền thông "Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết" cho đồng bào người Chứt tại bản Giàng.

Hội LHPN xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) tổ chức truyền thông "Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết" cho đồng bào người Chứt tại bản Giàng.

Các lớp tập huấn kỹ năng, truyền thông cộng đồng, hỗ trợ thiết bị loa máy cho bản làng cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì sự bền vững của các mô hình truyền thông và nâng cao năng lực cán bộ thôn bản.

Cần những giải pháp căn cơ và dài hơi

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình thực hiện Dự án 8 tại hai bản vùng cao Hà Tĩnh vẫn còn không ít thách thức. Điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn rộng, giao thông cách trở, nhân lực thiếu, kinh phí hạn chế và sự biến động của cán bộ địa phương là những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả và tần suất triển khai hoạt động; CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" cũng gặp khó khăn trong tổ chức do đa số thành viên học ở các trường không thuộc địa bàn, lịch học lệch nhau.

Bản Giàng (xã Hương Vĩnh) của đồng bào dân tộc Chứt nằm gần biên giới Việt - Lào.

Bản Giàng (xã Hương Vĩnh) của đồng bào dân tộc Chứt nằm gần biên giới Việt - Lào.

Từ thực tiễn đó, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất nhiều giải pháp và nội dung trọng tâm cho giai đoạn II (2026–2030) nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả Dự án:

Một, duy trì và nâng cao chất lượng mô hình hiện có, tiếp tục hỗ trợ hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" thông qua các buổi tập huấn định kỳ, trao đổi mô hình, giao lưu sản phẩm truyền thông. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nhân sự duy trì hoạt động lâu dài, ổn định tại cộng đồng.

Hai, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức các lớp tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, phòng tránh bạo lực và lạm dụng tình dục cho phụ nữ, trẻ em, người có uy tín tại thôn bản. Đồng thời cập nhật, phổ biến các chính sách pháp luật mới của Nhà nước liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

Ba, lồng ghép giới vào các chương trình phát triển,bảo đảm yếu tố giới được lồng ghép trong tất cả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tín dụng ưu đãi, giáo dục phổ cập... Đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện bình đẳng giới ở cấp cơ sở thông qua đối thoại chính sách.

Bốn, huy động thêm nguồn lực,dự kiến tổng kinh phí cần thiết cho giai đoạn 2026 – 2030 là khoảng 400 triệu đồng. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh cần vận động xã hội hóa, lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác để bảo đảm tài chính thực hiện hiệu quả và bền vững.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ địa phương, trưởng thôn, bản, chi hội trưởng địa bàn triển khai Dự án 8, tháng 10/2024.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ địa phương, trưởng thôn, bản, chi hội trưởng địa bàn triển khai Dự án 8, tháng 10/2024.

Năm, phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực,tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng lồng ghép giới, truyền thông cộng đồng, đối thoại chính sách cho cán bộ xã, thôn và người có uy tín trong cộng đồng nhằm nâng cao năng lực điều hành và hỗ trợ hiệu quả hơn cho phụ nữ và trẻ em.

Thành công bước đầu của Dự án 8 tại bản Rào Tre và bản Giàng là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của chính sách hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số. Giờ đây phụ nữ và trẻ em tại những vùng sâu xa nhất đã và đang từng bước tự tin khẳng định vị thế, tiếng nói và vai trò của mình trong cộng đồng.

Hai mẹ con người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên).

Hai mẹ con người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên).

Tuy nhiên, hành trình đến với mục tiêu "bình đẳng giới thực chất" vẫn còn dài và đòi hỏi sự đầu tư kiên trì, đồng bộ của các cấp, ngành, đặc biệt là sự tham gia tích cực từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số.

Với định hướng đúng đắn, sự quan tâm thiết thực từ Trung ương đến địa phương, cùng sự đồng hành chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, Dự án 8 sẽ tiếp tục là hướng phát triển bền vững và nhân văn cho bà con người DTTS ở những bản làng xa xôi.

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ha-tinh-du-an-8-gop-phan-thay-doi-doi-song-cua-dong-bao-dan-toc-chut-20250520160636623.htm
Zalo