Hà Nội từng bước nâng cấp chất lượng dịch vụ tuyến du lịch dọc sông Hồng
Ngành du lịch Thủ đô Hà Nội đang từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ, phát triển và đa dạng hóa các điểm đến trên tuyến du lịch dọc sông Hồng.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Triển khai Kế hoạch số 127/KH-SDL ngày 29/11/2024 của Sở Du lịch Hà Nội về việc thực hiện Kế hoạch Khảo sát, phát triển sản phẩm và tổ chức Hội nghị kết nối điểm đến du lịch, ngày 24/12/2024, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình Khảo sát tuyến điểm và Hội nghị “Kết nối các điểm du lịch trên dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”.
Đoàn đã trải nghiệm du thuyền Thăng Long Victoria I trên sông Hồng; khảo sát, tham quan đền Đại Lộ, đền Dầm, Làng gốm Bát Tràng, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Phát triển tại Hội nghị “Kết nối các điểm du lịch trên dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”, ông Kiều Việt, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, chương trình khảo sát và Hội nghị nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường thủy. Từ đó, tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của Thành phố, đồng thời hỗ trợ kết nối các điểm du lịch dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thủ đô xây dựng sản phẩm du lịch đường sông.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, sông Hồng có tổng chiều dài 556 km, trong đó đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 160 km, đi qua địa bàn 15 quận, huyện, với gần 30 di tích lịch sử, văn hóa, nổi bật trong đó là di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì); đền Hát Môn (Phúc Thọ); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín), Chùa Mẫu (Hưng Yên); đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); đền Gióng (Gia Lâm)…
Ngoài ra, dọc bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm nay như: làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng nghề mây tre đan (Thường Tín)…
Hà Nội có lợi thế nhiều tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên đến nay phát triển tuyến du lịch sông Hồng gần như còn bỏ ngỏ, chưa thực sự đáp ứng đúng với kỳ vọng cũng như tiềm năng sẵn có. Hiện nay đang có công ty Cổ phần Thăng Long GTC là đơn vị được phép vận hành khai thác bến Chương Dương, tuyến du lịch sông Hồng từ Hà Nội - Hưng Yên.
Cũng theo ông Hiếu, Công ty Thăng Long GTC vẫn chưa khai khai hết và kết nối được hết các điểm di tích lịch sử, văn hóa đã nêu ở trên, do hệ thống giao thông kết nối; hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch đường sông (bao gồm các bến cảng, khu dịch vụ đón khách, bãi đỗ xe,...) còn chưa được đầu tư, phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu đón khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhiều năm trước, một bến thủy nội địa đã được thành phố đầu tư xây dựng gần khu vực đình Bát Tràng nhưng bao năm qua vẫn không hoạt động được do các yếu tố kỹ thuật, cầu cảng gây khó cho tàu thuyền cập bến và việc di chuyển của du khách.
Cần ưu tiên đầu tư hạ tầng bến tàu
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng (Công ty cổ phần Thăng Long GTC), nhiều năm qua, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng đã xây dựng và khai thác các tuyến du lịch trên sông Hồng bằng tàu thủy với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, giúp du khách khám phá, cảm nhận được vẻ đẹp của hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đa dạng của Hà Nội và các địa phương lân cận.
Từ tháng 10/2023, Xí nghiệp bổ sung thêm du thuyền Thăng Long Victoria II, quy mô 72 chỗ vào phục vụ tại tuyến du lịch sông Hồng. Tháng 4/2024, du thuyền triển khai chương trình "Những nhịp cầu hạnh phúc" thưởng ngoạn cảnh sắc hoàng hôn nên thơ trên sông Hồng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo khi thành phố lên đèn của những cây cầu mang đậm dấu ấn, biểu trưng của Thủ đô, thời lượng 2,5h, chạy 1 vòng từ bến Chương Dương Độ đến cầu Thanh Trì, đạt hiệu quả tốt.
Hiện Xí nghiệp đã xây dựng 6 tour tham quan di tích, làng nghề nằm dọc sông Hồng tại các địa phương lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.
Nói về tiềm năng phát triển tuyến du lịch sông Hồng, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (ATI) đánh giá: Tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế. Nếu biết cách làm, sản phẩm này có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài lớn tuổi đến từ thị trường châu Âu. Họ rất thích những trải nghiệm hướng đến các cảnh quan thiên nhiên và các hoạt động khám phá văn hóa bản địa. Tuy nhiên, hạ tầng bến bãi, đường giao thông liên kết các tour tuyến chưa được đầu tư nhiều, sản phẩm đơn điệu, ít du thuyền, tàu phục vụ du khách nên du lịch sông Hồng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Đồng quan điểm với ông Quỳnh, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Travelogy Việt Nam bổ sung thêm: Có một thực tế đáng buồn khác là hiện Thủ đô chưa có hệ thống chính sách, cơ chế khuyến khích nên nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ tuyến du lịch đường thủy trên sông Hồng. Cùng với đó là các vấn đề như chưa có sự liên kết với doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến...
Các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, việc Hà Nội chưa khai thác tốt tuyến du lịch sông Hồng khiến ngành kinh tế xanh Thủ đô thiếu hụt những hành trình trải nghiệm đường thủy độc đáo. Để khai thác tốt hơn tuyến du lịch này, ông Quỳnh cho rằng không thể làm trong ngày một, ngày hai mà phải có lộ trình, giai đoạn bài bản. Giai đoạn một, song song với việc lập quy hoạch chi tiết cho tuyến du lịch này, có thể nâng cấp chất lượng tàu, dịch vụ cũng như ký năng phục vụ du khách của du thuyền. Đồng thời chính quyền cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng đầu tư bến tàu đón khách thành điểm check-in ấn tượng, an toàn thân thiện. Và cần quảng bá mạnh mẽ cho tuyến du lịch mang nhiều giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử này.
Còn ông Tuyên “hiến kế”: Trong ngắn hạn, chính quyền thành phố cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư tăng thêm lượng tàu, du thuyền để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khách. Bởi hiện nay doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi đặt dịch vụ cho các nhóm khách số lượng dưới 10 người.
Ông Tuyên đặc biệt nhấn mạnh, Thành phố cần đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cảng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; có cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong quản lý tài sản công để kêu gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vận hành, khai thác hiệu quả các cảng du lịch sẵn có như cảng Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm), cảng Bát Tràng (Gia Lâm)...
Là đơn vị trực tiếp khai thác tuyến du lịch sông Hồng, bà Minh kiến nghị Thành phố Hà Nội quan tâm hơn đến việc quy hoạch lại khu vực sinh sống cho người dân làng chài ven sông cũng như cộng đồng dân cư hai bên bờ sông Hồng, nhằm đảm bảo an sinh, chia sẻ lợi ích để người dân được hưởng lợi từ du lịch.
Ngoài ra, cần xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí trên sông như chèo thuyền kayak, chèo SUP, cắm trại; xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp ven sông; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm đời sống văn hóa Đồng bằng sông Hồng, trải nghiệm nghề truyền thống tại các làng nghề...
Kết luận Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến trao đổi, góp ý, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các nhiệm vụ để phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố.
Để khai thông “dòng chảy” cho tuyến du lịch sông Hồng, ông Trần Trung Hiếu cho hay, Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024-2025. Trong đó, việc “hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (huyện Thường Tín) - Hưng Yên và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông” là một trong những nội dung nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, chất lượng cao, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cũng theo ông Hiếu, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố ưu tiên đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, đề án hai bên bờ sông Hồng và bãi giữa. Xác định cụ thể vị trí, quy mô, công suất của các bến cảng, bến bãi, hệ thống giao thông kết nối, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất này, nhằm tạo điều kiện đón và phục vụ các tàu du lịch lớn, hiện đại.