Kiến nghị tỉnh Đắk Nông xử lý tài chính 251.702 triệu đồng sau kiểm toán

Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2023 và Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí của dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại tỉnh Đắk Nông, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính nhiều tỷ đồng.

Ngân sách địa phương cần được quản lý hiệu quả hơn

Về thu ngân sách nhà nước, KTNN chỉ ra rằng, Cơ quan thuế chưa phối hợp với các cơ quan, ban ngành tại địa phương trong việc quản lý thuế đối với hoạt động nhận thầu thực hiện một số công trình có vốn NSNN trên 50% do UBND xã làm chủ đầu tư của cộng đồng dân cư, hoạt động xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân, hoạt động cấp quyền khai thác khoáng sản; ban hành Thông báo nộp tiền thuế đất đối với thời gian trước khi có quyết định của UBND tỉnh cho thuê đất và nhận bàn giao đất thực địa chưa phù hợp quy định tại Luật Đất đai năm 2013.

Công tác lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách của địa phương cơ bản được thực hiện theo quy định. Ảnh: ST

Công tác lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách của địa phương cơ bản được thực hiện theo quy định. Ảnh: ST

Một số cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện đăng ký thuế; một số đơn vị dự toán cấp tỉnh chưa kê khai, nộp thuế. Có trường hợp được miễn tiền thuế đất đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, nhưng công ty chưa nộp văn bản kèm theo hồ sơ, tài liệu để cơ quan thuế thực hiện triển khai kiểm tra đối với dự án xã hội hóa; cơ quan thuế cũng chưa kịp thời kiểm tra, giám sát tại thời điểm dự án hoàn thành theo quy định. Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế có trường hợp còn có sự bất hợp lý trong số liệu nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.

Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, bố trí kế hoạch vốn trung hạn chưa đủ vốn đối với 25 dự án theo quy định Luật Đầu tư công 2019 (cấp tỉnh); bố trí kế hoạch vốn trung hạn cho ba dự án chưa đảm bảo thời gian hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư theo.

Đối với kế hoạch vốn đầu tư năm 2023, đầu năm, địa phương chưa phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án, chưa ưu tiên bố trí vốn để thanh toán cho các dự án hoàn thành, dự kiến hoàn thành. UBND tỉnh bố trí 20% nguồn thu tiền sử dụng đất để cấp vốn cho Quỹ Phát triển đất của tỉnh (81.200 trđ) chưa phù hợp về trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP; ba huyện chưa dành tối thiếu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đến 31/01/2024, địa phương giải ngân đạt 76% kế hoạch vốn giao năm 2023 chưa đảm bảo tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% theo kết luận của Thường trực Chính phủ, trong đó có 6 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán chi tiết tại các dự án cho thấy còn tồn tại ở hầu hết các công tác như lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án; công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký hợp đồng, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, thanh quyết toán, quản lý tiến độ; công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư còn sai sót về khối lượng, đơn giá và sai khác, số tiền 19.538,3 triệu đồng.

Về chi thường xuyên, ngân sách cấp tỉnh trích chưa đủ 50% kết dư năm 2022 vào Quỹ dự trữ tài chính theo quy định, số tiền 4.510,8 triệu đồng. Trong điều kiện hụt thu ngân sách, địa phương tạm ứng từ Quỹ Dự trữ tài chính chưa phù hợp quy định tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.

Theo đánh giá của KTNN, năm 2023, công tác lập, phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách của địa phương đã cơ bản được thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đối với kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, nguồn còn tồn đến ngày 31/12/2023 tăng thêm so với số báo cáo của UBND tỉnh với số tiền 179.696,4 triệu đồng; kinh phí thực hiện cải cách tiền lương NSNN cấp còn thừa tại các đơn vị dự toán và cấp xã 12.242,8 triệu đồng; UBND các cấp còn sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa đúng mục đích nguồn kinh phí quy định Nghị quyết số 23/2021/QH15, số tiền 77.969 triệu đồng.

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xác định mức tự đảm bảo chi thường xuyên và mức kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định (2023) chưa phù hợp quy định; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Quá trình thực hiện dự án còn vướng mắc, tồn tại

Kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí của dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, KTNN cho biết, việc thực hiện tại dự án còn gặp một số vướng mắc về cơ chế chính sách như thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến cơ chế chính sách áp dụng có nhiều thay đổi; Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có quy định cụ thể về việc thẩm định trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt; Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn xác định chi phí cho công tác thẩm định; tổ chức nghiệm thu, xét duyệt dự án hoàn thành thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

Công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu, ban hành các văn bản quản lý, chấp hành pháp luật, chế độ hướng dẫn thực hiện dự án chưa phù hợp với quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như Sở Tài nguyên và Môi trường chưa kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, phê duyệt dự án tổng thể; UBND tỉnh chưa ban hành quy định cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, phức tạp, có tính phổ biến; việc huy động nguồn lực của dự án chưa đảm bảo dành tối thiểu 10% nguồn thu từ đất của địa phương để thực hiện dự án; công tác kiểm tra, giám sát tại dự án chưa được thực hiện thường xuyên theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Việc thực hiện dự án tại huyện Cư Jút và Krông Nô đến thời điểm kiểm toán còn một số tồn tại như Dự án chưa thực hiện điều chỉnh theo các quy định hiện hành; công tác khảo sát lập thiết kế kỹ thuật-dự toán còn thiếu sót trong xác định khối lượng cần thực hiện; đặt hàng trước khi dự toán được giao và chưa căn cứ vào dự toán được giao; còn sai sót trong thực hiện tiếp biên các bản đồ, chưa làm rõ việc thực hiện quy chủ đối với phần diện tích đất có chồng lấn với đất của các tổ chức, đất do trước đây nhà nước quản lý.

Nhiều dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh minh họa

Nhiều dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh minh họa

Kiến nghị chấn chỉnh, xử lý sai sót, tồn đọng

Từ các tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính 251.702 triệu đồng (tăng thu NSNN 130,8 triệu đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách 251.571,2 triệu đồng); kiến nghị khác 107.389,8 triệu đồng; thực hiện và chỉ đạo các đơn vị, địa phương chấn chỉnh trong việc tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính; bố trí trích bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính theo quy định.

UBND tỉnh Đắk Nông cần chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

Tỉnh cần yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện Cư Jút, Krông Nô rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét để đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ban hành quy định cụ thể về thẩm định thiết kế kỹ thuật-dự toán trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 136/2017/TT-BTC để xác định chi phí cho công tác thẩm định; tổ chức nghiệm thu, xét duyệt dự án hoàn thành thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần rà soát, báo cáo các vướng mắc, khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận và chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai; rà soát, ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản thực hiện tại dự án phù hợp với các quy định hiện hành.

Mặc dù các cấp, các ngành của địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác quản lý thu ngân sách nhưng số thu NSNN trên địa bàn thực hiện chưa đạt dự toán Trung ương giao. Công tác quản lý, điều hành chi ngân sách cơ bản đã được thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật NSNN, các chế độ, chính sách hiện hành của Trung ương và HĐND tỉnh ban hành; tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Đối với Cục Thuế, KTNN yêu cầu cần tổ chức thanh tra sau hoàn thuế, xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp còn có sự bất hợp lý trong số liệu nguyên vật liệu đầu vào; chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực Cư Jút - Krông Nô báo cáo Cục Thuế để triển khai kiểm tra, dự án xã hội hóa theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan chặt chẽ hơn để giải quyết tồn đọng; chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực Đắk R’lấp - Tuy Đức rà soát, phối hợp với các cơ quan của địa phương truy thu các loại thuế, phí.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong việc tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch đầu tư công hàng năm; rà soát và cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết nghị bổ sung số vốn bố trí thiếu của 25 dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025, nhằm đảm bảo nhu cầu vốn để thực hiện theo tiến độ dự án đã phê duyệt.

KTNN kiến nghị, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cần phối hợp với Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND tỉnh quyết định mức tự đảm bảo chi thường xuyên và kinh phí NSNN hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quy định hiện hành.

Ngoài ra, tỉnh cần chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động điều hành trong trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán được giao; cân đối các nguồn lực tại chỗ, thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương. UBND các huyện, thành phố thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế. UBND huyện Cư Jút và Krông Nô cần chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện trong việc thực hiện dự án hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai./.

T.Xuyên

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kien-nghi-tinh-dak-nong-xu-ly-tai-chinh-251-702-trieu-dong-sau-kiem-toan-37324.html
Zalo