Góc nhìn Người Đưa Tin: Sự kiện nổi bật ngành TN&MT năm 2024
Trong năm 2024, ngành TN&MT đã có nhiều đóng góp tích cực qua các dự thảo luật mới được thông qua hay lên kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030.
1. Bộ TN&MT có tân Bộ trưởng
Ngày 26/8, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái, làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 với kết quả biểu quyết 426/426 đại biểu có mặt tán thành.
Ông Đỗ Đức Duy sinh năm 1970, quê xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông là Thạc sĩ Xây dựng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái.
2. Ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia
Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lần đầu tiên, Quy hoạch không gian biển quốc gia được ban hành. Nghị quyết đã xác định phạm vi quy hoạch; đề ra các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; xây dựng định hướng bố trí sử dụng không gian và phân vùng sử dụng cho từng khu vực.
Đồng thời, Nghị quyết đề ra các giải pháp và nguồn lực để thực hiện quy hoạch cũng như Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Quốc hội thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản
Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những thành tựu quan trọng trong công tác quản lý khoáng sản năm 2024 là việc hoàn thiện và thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản với số phiếu tán thành cao.
Trong quá trình triển khai, hồ sơ dự án Luật đã được các cơ quan liên quan thẩm định, bảo đảm các quy định của Luật phù hợp với thực tế và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời giải quyết những vướng mắc trong việc cấp quyền khai thác khoáng sản.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Địa chất và Khoáng sản mới là việc phân nhóm khoáng sản để có những quy định quản lý phù hợp, từ quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đến thu hồi khoáng sản và đóng cửa mỏ.
Quy định phân cấp và phân quyền cho chính quyền địa phương cũng là một cải cách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản. Đồng thời, việc điều chỉnh các chính sách liên quan đến khoáng sản nhóm IV (bao gồm các loại đất sét, đất đồi, cát, cuội, sỏi...) đã giúp khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng khoáng sản.
4. Bộ TN&MT công bố kịch bản nguồn nước các lưu vực sông
Ngày 25/11/2024, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 3776 về việc công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên Lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Đây là căn cứ quan trọng để các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 53.
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình được công bố nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
5. Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm chưa từng có trên thế giới
Ngày 16/12, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã công bố báo cáo mới nhất liên quan tới điều tra loài tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Riêng tại Việt Nam phát hiện có 112 loài mới, quý hiếm.
Mặc dù mới được các nhà khoa học phát hiện, nhưng những sinh vật này đã tồn tại hàng thiên niên kỷ trong các môi trường sống độc đáo của khu vực và được ví như "ký ức về sự sống trên hành tinh của chúng ta".
Đây không chỉ là tin vui với giới nghiên cứu, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên trước áp lực phát triển và biến đổi khí hậu.
Hoạt động phát hiện các loài đặc hữu tại Đồng bằng sông Cửu Long chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng thiên nhiên Việt Nam còn ẩn chứa vô vàn bí ẩn, là kho báu khoa học chưa được khám phá hết. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện cam kết phát triển bền vững.
6. Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một năm chuyển giao giữa El Nino và La Nina ghi nhận nắng nóng kỷ lục, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất nghiêm trọng trên diện rộng ở Bắc Bộ, hệ thống cảnh báo sớm đã được kích hoạt đồng bộ góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1422 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật).
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể là nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững; nâng cao năng lực và nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.
Đồng thời giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.