Hà Nội trao quyết định công nhận các danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố

Ngày 15/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận các danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2024.

Theo đó, thành phố Hà Nội đã trao công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống”, “Làng nghề truyền thống” và “Làng nghề Hà Nội” cho 14 làng. Trong đó, Làng nghề mộc Vạn An (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây), làng nghề mộc Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), làng nghề may Chung Chản (xã Vân Từ, huyện Phúc Xuyên) được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”.

Làng nghề thêu thôn Cổ Chất (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín); làng nghề giày da thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên); làng nghề ướp trà sen Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ) được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống…

 Các chủ thể OCOP Hà Nội nhận danh hiệu.

Các chủ thể OCOP Hà Nội nhận danh hiệu.

Các nghề: Sản phẩm từ cốm phố Hàng Than và đúc đồng Ngũ Xã (cùng ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); diều sáo làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); kim hoàn, đậu bạc làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai); cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ)… được công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” Hà Nội.

Thành phố Hà Nội cũng đã trao quyết định công nhận cho 108 sản phẩm của 17 quận, huyện được UBND thành phố chứng nhận đạt 4 sao, tiềm năng 5 sao năm 2024.

 Các chủ thể OCOP Hà Nội nhận danh hiệu.

Các chủ thể OCOP Hà Nội nhận danh hiệu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 3.317 sản phẩm được đánh giá, chiếm 21,3% tổng số sản phẩm OCOP toàn quốc. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao.

Tính đến nay, Thành phố đã công nhận 337 làng nghề, làng nghề truyền thống trên tổng số 1.350 làng nghề; có 1.336 hợp tác xã nông nghiệp, 1.574 trang trại và 172 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; hơn 14.000 sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc.

Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố tổ chức thẩm định, công nhận danh hiệu cho 14 làng nghề và đánh giá, phân hạng 606 sản phẩm OCOP đạt 166% kế hoạch, vượt 206 sản phẩm so với chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, chỉ có 108 sản phẩm của 17 quận, huyện được chứng nhận đạt 4 sao và tiềm năng 5 sao, cho thấy các tiêu chí OCOP ngày càng được siết chặt nhằm nâng cao chất lượng, vị thế sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Đình Hoa cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, công tác xét công nhận làng nghề tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vấn đề môi trường. Nhiều làng nghề dù đáp ứng tiêu chí về sản xuất, số hộ tham gia… nhưng lại thiếu phương án bảo vệ môi trường theo quy định, dẫn đến không đủ điều kiện xét công nhận. Đối với các sản phẩm OCOP, vẫn còn tình trạng hồ sơ minh chứng chưa đầy đủ, bao bì kém thu hút và chưa xây dựng được câu chuyện sản phẩm gắn với yếu tố văn hóa - lịch sử địa phương.

Để khắc phục những hạn chế này và nâng cao chất lượng chương trình, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Trong đó có việc phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm 5 sao, phấn đấu năm 2025 có thêm ít nhất 30 sản phẩm được công nhận ở cấp Trung ương.

Sở cũng đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp tiếp tục đồng hành quảng bá sản phẩm Hà Nội ra thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Phòng Phát triển nông thôn trực thuộc Sở cần triển khai hiệu quả Đề án tổng thể phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2025 -2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có mục tiêu đưa thêm ít nhất hai làng nghề tham gia mạng lưới Thành phố Thủ công sáng tạo của thế giới.

Ngoài ra, các làng nghề, chủ thể OCOP cần đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, ứng dụng công nghệ số để tăng tính cạnh tranh và giá trị gia tăng. Việc gắn kết sản phẩm OCOP với phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm cũng là hướng đi quan trọng để tạo thêm sinh kế cho người dân nông thôn.

 Bà Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh phát biểu.

Bà Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh phát biểu.

Là một trong những chủ doanh nghiệp có sản phẩm được nhận chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2024 lần này, bà Ngô Thị Tính - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh - cho biết, chương trình OCOP đã trở thành động lực quan trọng giúp các hộ sản xuất làng nghề truyền thống chuyển mình mạnh mẽ. Từ một hộ gia đình làm nghề được truyền lại qua nhiều thế hệ, doanh nghiệp của bà đã phát triển thành một đơn vị có hai nhà máy tại Hà Nội và TP HCM, đưa nhiều sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Ý, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc).

Trong năm nay, doanh nghiệp có sản phẩm bánh cốm được đánh giá tiềm năng đạt 5 sao - một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Nội gắn với các làng nghề truyền thống như làng Vòng, Hàng Than... “Chúng tôi rất tự hào vì sản phẩm làng nghề của mình không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa mà còn ngày càng chất lượng hơn, nhờ kết hợp với công nghệ, thiết bị hiện đại”, bà Tính chia sẻ.

Người dân tham quan gian hàng sản phẩm OCOP.

Người dân tham quan gian hàng sản phẩm OCOP.

Theo bà Tính, OCOP không chỉ giúp quảng bá sản phẩm Việt Nam ra thị trường trong và ngoài nước, mà còn tạo động lực lớn để các doanh nghiệp nhỏ và hộ sản xuất truyền thống đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật và mạnh dạn vươn lên. “Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã tham gia hơn 20 sản phẩm OCOP. Chúng tôi xem chương trình là bệ đỡ để sản phẩm làng nghề có thể ‘cất cánh’, tiếp cận người tiêu dùng thế giới và khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế”, bà nói.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-trao-quyet-dinh-cong-nhan-cac-danh-hieu-lang-nghe-va-chung-nhan-san-pham-ocop-cap-thanh-pho-post545463.html
Zalo