Hà Nội: Tiến độ xây dựng cụm công nghiệp phát sinh nhiều vướng mắc, thủ tục còn chồng chéo
Quá trình đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phát sinh nhiều vướng mắc về cơ chế, tiến độ giải phóng mặt bằng…
Ngày 5/4, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tham dự hội nghị có đại điện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội.
Tại hội nghị, thành phố đã tiếp nhận 80 ý kiến về 4 nhóm vấn đề, liên quan bốn nhóm vấn đề chính gồm thủ tục đất đai, thủ tục hành chính, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu, cụm công nghiệp.
Về vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15 ha, cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56 ha.
"Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang. Đề nghị thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này", ông Hải nói.
Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong bày tỏ khó khăn về giải phóng mặt bằng đối với dự án Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu (huyện Sóc Sơn). Đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án để chủ đầu tư tiến hành các bước tiếp theo.
Tương tự, ông Ulrich Petersen, Giám đốc Đầu tư và Marketing dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội nêu khó khăn liên quan đến cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội và việc lập quy hoạch phân khu xây dựng và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Bắc Từ Liêm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, vẫn còn chậm so với kế hoạch và yêu cầu do các quy định, thủ tục, giấy phép còn chồng chéo.
Các đơn vị cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, rút ngắn 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục khởi công cụm công nghiệp theo tiến độ đã đăng ký.
"Sở Công Thương cũng đã có văn bản phản ánh những khó khăn này tới các bộ, ngành nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo", bà Lan phản ánh.
Giải đáp ý kiến của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã giao đất từng đợt đối với những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian đầu tư dự án, sớm đưa vào khai thác…
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, tới đây thành phố chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.
Để làm được điều này các sở, ngành sẽ thường xuyên hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư. Các địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan… hỗ trợ doanh nghiệp khởi công dự án sớm nhất.
"Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với doanh nghiệp, tùy theo từng giai đoạn dự án cụ thể để giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp nếu đã hoàn thành 95% việc giải phóng mặt bằng thì tiến hành giao đất đợt 1 cho doanh nghiệp triển khai dần các tiến độ của dự án", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, đến nay thành phố hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348 ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%.
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Quang Minh 2, diện tích 160 ha và Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha); hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh, với diện tích 300 ha; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024.