Giá nhà tăng phi mã, người dân có thu nhập thấp 'trông' vào nhà ở xã hội

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng cao, giá bất động sản leo thang, và nguồn cung khan hiếm, khó có thể thỏa mãn nhu cầu về nhà ở của tất cả người dân, để giải quyết nhu cầu về nhà ở, người dân cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, tận dụng các chương trình hỗ trợ, và sẵn sàng linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở.

Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở. Do vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, ở cả khu vực đô thị và nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhu cầu cải thiện nhà ở của đại đa số người dân, là những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, vẫn đang là một vấn đề nan giải, đặc biệt là tại khu vực đô thị, khi giá nhà liên tục tăng cao trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, nguồn cung không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của người dân.

Thực trạng và thách thức trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Đặc biệt, kể từ năm 2018 đến nay, khi chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản (BĐS) khiến nguồn cung nhà ở sụt giảm nghiêm trọng.

 Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng cao, giá bất động sản leo thang, và nguồn cung khan hiếm, khó có thể thỏa mãn nhu cầu về nhà ở của tất cả người dân. (Ảnh: ST)

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tăng cao, giá bất động sản leo thang, và nguồn cung khan hiếm, khó có thể thỏa mãn nhu cầu về nhà ở của tất cả người dân. (Ảnh: ST)

Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, làm giá BĐS, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, tăng mạnh hơn, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở từ nguồn cung nhà ở thương mại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp chỉ có thể “trông” vào nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo, điều hành tích cực, nhiều thành phố lớn vẫn hạn chế trong phát triển NƠXH. Bởi thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính rườm rà, khó thu hút chủ đầu tư.

Do đó, với người lao động thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, giáo viên, hoặc nhân viên văn phòng mới đi làm, việc tiết kiệm để mua một căn nhà tại khu vực đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một mục tiêu rất xa vời. Bởi với mặt bằng giá BĐS hiện tại, ngay cả khi giá nhà giảm một nửa, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn khó có khả năng mua nhà.

Trong khi thực tế, giá các sản phẩm BĐS phục vụ nhu cầu ở thực tại đô thị, chỉ có thể đi ngang, hoặc giảm nhẹ trong một giai đoạn nhất định sau thời gian tăng trưởng nóng, và chắc chắn khó giảm sâu trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí phát triển dự án bao gồm chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, nhất là chi phí liên quan đến đất đai ngày càng tăng cao.

Hài hòa các yếu tố, tiêu chuẩn là cách để người dân tiến gần hơn với giấc mơ sở hữu nhà ở

VARS cho rằng, để giải quyết nhu cầu về nhà ở của đại đa số người dân, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, để cân bằng cán cân cung - cầu.

Theo đó, về phía cung, như chúng tôi đã thông tin trước đó, các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven, và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả. Hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án nhà ở.

 Các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven. (Ảnh: ST)

Các giải pháp cần hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven. (Ảnh: ST)

Về phía cầu, người dân có nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị, cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, tận dụng các chương trình hỗ trợ, và sẵn sàng linh hoạt trong việc lựa chọn nơi ở. Chỉ khi đó, bài toán nhà ở mới có thể được giải quyết một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả cá nhân và xã hội.

Cụ thể, bằng cách giảm tiêu chuẩn không cần thiết, mở rộng khu vực tìm kiếm, và ưu tiên giải pháp phù hợp với thu nhập hiện tại, người dân có thể tiến gần hơn đến mục tiêu sở hữu ngôi nhà đầu tiên. Trong bối cảnh giá BĐS tăng nhanh, việc điều chỉnh giảm kỳ vọng là bước quan trọng để hiện thực hóa ước mơ an cư.

Thay vì cố gắng mua một căn nhà có diện tích lớn, chất lượng cao với các tiện ích dịch vụ đa dạng, cao cấp. Người dân có thể cân đối để lựa chọn những sản phẩm với tiêu chuẩn phù hợp để hài hòa giữa khả năng và mong muốn. Có như vậy, mục tiêu sở hữu nhà ở mới có thể trở nên “nhẹ nhàng hơn”.

Thứ hai, người dân cần sẵn sàng mở rộng nhu cầu ra vùng ven, nơi có giá BĐS thấp hơn. Với xu hướng mở rộng đô thị ra vùng ven, thời gian tới, sẽ có nhiều hơn các dự án nhà ở thương mại quy mô lớn, nhà ở xã hội được phát triển, với mức giá bán thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo kết nối tốt với trung tâm nhờ các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc và metro dự kiến được đầu tư, hoàn thiện.

Thứ ba, để giải quyết nhu cầu nhà ở, việc thuê nhà là một lựa chọn tạm thời phù hợp. Người dân có thể tìm các căn hộ hoặc nhà trọ với chi phí hợp lý tại khu vực ngoại ô hoặc vùng ven đô thị, tiết kiệm khoản dư để chuẩn bị cho việc mua nhà. Việc bỏ ra khoảng không quá ⅓ thu nhập cho việc thuê nhà so với việc phải dành đến ⅔ thu nhập để trả nợ mua nhà là phương án tài chính phù hợp để cân bằng cuộc sống.

Thứ tư, để sở hữu nhà, người dân cần tận dụng các chính sách hỗ trợ. Người dân có một khoản tích lũy, ước tính khoảng 50% giá trị, có thể lựa chọn vay mua nhà khi tìm thấy sản phẩm phù hợp. Hiện có rất nhiều dự án có chính sách thanh toán linh hoạt với thời gian ưu đãi dài, lãi suất cố định, để người dân không cần “thắt lưng buộc bụng” để trả nợ.

VARS tin rằng, sự đồng lòng và phối hợp chặt chẽ, hài hòa của cả 3 phía - Nhà nước, doanh nghiệp, và người dân, sẽ tạo ra vòng tròn phát triển khép kín, giải quyết bài toán về nhu cầu nhà ở của người dân một cách hiệu quả và bền vững.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-nha-tang-phi-ma-nguoi-dan-co-thu-nhap-thap-trong-vao-nha-o-xa-hoi-post325579.html
Zalo