Hà Nội tăng cường quản lý trật tự xây dựng trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính
Thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố trong thời gian từ nay cho đến khi hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính…

Ảnh minh họa.
Để tăng cường công tác quản lý đô thị trên địa bàn, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả, đầy đủ các nội dung theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND của UBND Thành phố; các chương trình, kế hoạch, quyết định, nghị quyết do Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ khi mới phát sinh.
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng tranh thủ, lợi dụng thời điểm sắp xếp hệ thống chính trị tại địa phương để thực hiện các hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Trong quá trình kiểm tra, xử lý nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm phải chuyển cơ quan điều tra để xem xét, giải quyết theo quy định.
Tiếp tục quản lý, duy trì hoạt động hiệu quả Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện theo mô hình thí điểm cho đến khi có quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thành ủy, UBND Thành phố về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý;
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ đẻ xay ra các vi phạm.
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Thông tin tại hội nghị giao ban quý 1/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, cho biết đến nay, Sở Nội vụ đã báo cáo dự thảo Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tuân thủ Hiến pháp, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Bảo đảm chính quyền cấp cơ sở mới phải gần dân, bám sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất; phát huy tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trước mắt, tổ chức bộ máy biên chế phải được bố trí phù hợp, không vượt quá tổng biên chế cũ và có lộ trình giảm dần đảm bảo trong thời hạn 5 năm.
Các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn phải đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính là đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, cũng đề xuất 2 cách đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp hình thành sau sắp xếp. Một, đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Hai, đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp.