Dôi dư 79 trụ sở sau khi Quảng Bình và Quảng Trị hợp nhất
Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị; kèm theo Nghị quyết này là Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị. Sau sắp xếp, tỉnh mới sẽ dôi dư 79 trụ sở làm việc.
Tỉnh Quảng Trị (sau sắp xếp) có diện tích hơn 12.699 km2, quy mô dân số hơn 1.845.000 người, có 78 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 1 đặc khu. Trung tâm hành chính - chính trị (sau sắp xếp) đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Tỉnh Quảng Trị sau sắp xếp có 54.854 biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Phương án bố trí biên chế cơ bản chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có để bố trí biên chế cấp xã. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã. Việc rà soát, tinh giản biên chế thực hiện theo lộ trình trong thời hạn 5 năm.
Tỉnh Quảng Trị sau sắp xếp sẽ có tổng số là 810 trụ sở làm việc, trong đó, tỉnh Quảng Bình có 420 trụ sở và tỉnh Quảng Trị có 390 trụ sở, dự kiến tiếp tục sử dụng 729 trụ sở, 2 trụ sở có phương án riêng và dôi dư 79 trụ sở.

Tỉnh Quảng Trị sau khi hợp nhất dự kiến dôi dư 79 trụ sở làm việc
Dự kiến sau sáp nhập tỉnh, số lượng trụ sở hiện có tại tỉnh Quảng Bình chưa đáp ứng được nhu cầu bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị mới. Sau khi phương án sáp nhập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh mới căn cứ phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hành chính để xác định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với trụ sở, tài sản công.
79 trụ sở dự kiến dôi dư sau hợp nhất sẽ được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Tỉnh mới sẽ ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao….); thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương tập trung quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;…); giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác.

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân biểu quyết thông qua các Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất tỉnh
Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay sau kỳ họp, các cơ quan liên quan cần tập trung hoàn thiện và phối hợp thực hiện các hồ sơ liên quan việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền đảm bảo đúng tiến độ.
“Đây là kỳ họp với những quyết sách mang tính lịch sử. Hội đồng Nhân dân tỉnh đã xem xét và thông qua các nghị quyết về hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình. Đây là những vấn đề lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện chủ trương của Trung ương, của Đảng, của Chính phủ và Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội, vấn đề phân công, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế”, ông Trần Hải Châu thông tin.