Hà Nội: tai nạn giao thông giảm sâu
Trong quý I/2025, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 177 người chết, 199 người bị thương. So cùng kỳ năm 2024 giảm 81 vụ, tương đương giảm 20,93%.
Chiều 16/5, thông tin về tình hình đảm bảo TTATGT của Thủ đô Hà Nội tại Hội nghị Trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác đảm bảo ATGT quý I/2025, và phương hướng nhiệm vụ trong quý II/2025, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, Sở Xây dựng (cơ quan thường trực Ban ATGT Thành phố) đã phối hợp với Công an thành phố rà soát các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn. Trên cơ sở số liệu tai nạn giao thông, đối chiếu với các quy định tại Thông tư 41/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ngày 15/11/2024, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 3 điểm hay xảy ra tai nạn giao thông và 2 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Trong quý I/2025, đã tiếp nhận tổng số 188 kiến nghị, đề xuất liên quan tới công tác tổ chức giao thông (Công an TP: 140 kiến nghị; UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị, cử tri, người dân: 48 kiến nghị). Đã kiểm tra hiện trạng và xử lý: 135 kiến nghị. Thống nhất liên ngành giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục theo dõi 28 kiến nghị và đang khảo sát hiện trạng, đánh giá nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý 25 kiến nghị.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, đường ngang giao cắt đường sắt, đường thủy nội địa… sửa chữa kịp thời các hư hỏng để đảm bảo giao thông êm thuận, thông suốt. Kịp thời phát hiện, phối hợp thanh tra giao thông, chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông.
3 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn TP xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 177 người chết, 199 người bị thương. So cùng kỳ năm 2024 giảm 81 vụ (-20,93%), tăng 01 người chết (+0,57%), giảm 115 người bị thương (-36,62%); so với liền kề giảm 57 vụ (-15,70%), giảm 27 người chết (-13,24%), giảm 77 người bị thương (-27,9%).
Trong đó, TNGT liên quan đường sắt xảy ra 6 vụ chiếm 1,96%, làm 6 người chết. So sánh thời gian cùng kỳ giảm 2 vụ, giảm 3 người chết, giảm 1 người bị thương; so sánh thời gian liền kề tăng 6 vụ, tăng 6 người chết, bằng số người bị thương.
TNGT liên quan lứa tuổi học sinh xảy ra 59 vụ làm 31 người chết 42 người bị thương. So sánh thời gian cùng kỳ giảm 25 vụ, tăng 4 người chết, giảm 45 người bị thương; so sánh thời gian liền kề giảm 40 vụ, giảm 10 người chết, giảm 40 người bị thương.
Trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 18 vụ liên quan đến nồng độ cồn làm 5 người chết, 15 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2024 giảm 56 vụ, giảm 21 người chết, giảm 51 người bị thương).
Toàn TP có 11/30 địa phương có tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ, bao gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Đan Phượng. 2/30 địa phương có tình hình tai nạn giao thông tăng trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ là quận Long Biên và huyện Ba Vì.
Trong quý I/2025, lực lượng Công an TP Hà Nội đã kiểm tra xử lý 71.241 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ - đường sắt - đường thủy, phạt tiền 141.192.000.000 đồng (so với cùng kỳ năm 2024: giảm 6.655 trường hợp = 8,54%, giảm 10.003.365.500 đồng = 6,62%; so với liền kề: giảm 32.970 trường hợp = 31,64%, giảm 37.742.514.700 đồng = 21,09%).
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn trên đường bộ: 11.567 trường hợp; vi phạm về tốc độ: 4.783 trường hợp; vi phạm quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành, thùng: 1.740 trường hợp; đi không đúng làn đường: 646 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông: 1.564 trường hợp; đường cấm - ngược chiều: 1.474 trường hợp; dừng, đỗ sai quy định: 9.311 trường hợp; vi phạm về mũ bảo hiểm: 16.930 trường hợp; vi phạm phát hiện qua hệ thống camera và đã được lập biên bản: 630 trường hợp, gửi thông báo cho 1.394 trường hợp vi phạm…
Lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt vi phạm hành chính 151 trường hợp, tương đương số tiền xử phạt vi phạm hành chính 531.410.000 đồng.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn TP. Phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, đặc biệt trong các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025; góp phần phục vụ thành công các sự kiện chính trị, các hoạt động đối ngoại, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các sự kiện văn hóa thể thao quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô trong quý I/2025.
Bên cạnh đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống người dân Thủ đô, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp; văn hóa giao thông từng bước được hình thành trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp tại một số tuyến đường, nút giao, đặc biệt thời điểm cuối năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông và doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với các hành vi như: không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, đi ngược chiều, đi vào đường cấm; điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc trái quy định; vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; sử dụng xe ba bánh, xe tự chế tham gia giao thông… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.