Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận, góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Đồng chí Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận, góp ý tại tổ chiều 16/5.

Đồng chí Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận, góp ý tại tổ chiều 16/5.

Tham gia thảo luận, ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội được ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội (Nội quy kỳ họp Quốc hội) và góp ý đối với một số nội dung cụ thể: Về trách nhiệm báo cáo xin phép của ĐBQH trong trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua (khoản 2 Điều 3 của Nội quy kỳ họp Quốc hội), quy định về trách nhiệm báo cáo xin phép của ĐBQH trong các trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định tại khoản này theo hướng việc báo cáo xin phép vắng của ĐBQH được thực hiện qua App Quốc hội, nhằm tạo thuận lợi cho ĐBQH và việc tiếp nhận, xử lý thông tin được nhanh chóng, kịp thời và đúng chủ trương về xây dựng Quốc hội số.

Đại biểu đồng tình đối với quy định về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp (Điều 15 của Nội quy kỳ họp Quốc hội): Dự thảo Nghị quyết sửa đổi khoản 1 Điều 15 của Nội quy kỳ họp Quốc hội để bổ sung quy định về việc gọi chung: “Chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp Quốc hội” là “Đoàn chủ tịch”; đồng thời, thay cụm từ “Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp” bằng cụm từ “Đoàn chủ tịch” tại tất cả các điều có liên quan của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Cần giữ nguyên như quy định hiện hành phù hợp với quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đồng thời, quá trình thực hiện không có gì vướng mắc nên không cần thiết phải điều chỉnh.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, về việc rút ngắn thời gian phát biểu lần thứ nhất của ĐBQH tại phiên họp toàn thể từ không quá 7 phút xuống còn không quá 5 phút (Điều 18 của Nội quy kỳ họp Quốc hội), bên cạnh các ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Nghị quyết để tạo điều kiện cho nhiều ĐBQH được phát biểu tại các phiên họp toàn thể, đồng thời, phù hợp với thông lệ hoạt động của Quốc hội, Nghị viện nhiều nước trên thế giới và thực tiễn tiến hành các phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội nước ta thời gian qua, Theo đại biểu, việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của ĐBQH từ không quá 7 phút (theo quy định hiện hành) xuống còn không quá 5 phút và căn cứ vào diễn biến phiên họp, thời gian phát biểu lần đầu còn có thể rút ngắn hơn là không thực sự phù hợp, không đủ thời gian để ĐBQH trình bày hết ý kiến của mình.

Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết: Khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định: “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2025”. Đại biểu đề nghị Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 để trong trường hợp cần thiết sau Kỳ họp 9 và có kỳ họp bất thường thì có thể áp dụng ngay hoặc có hiệu lực từ ngày Quốc hội thông qua.

Nguyễn Thúy

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-gop-y-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-sua-doi-bo-sung-mot-so-d-3177272.html
Zalo