Giá cát ở Đắk Lắk tăng đột biến, ảnh hưởng lớn tới ngành xây dựng
Khoảng hai tuần trở lại đây, giá cát xây dựng tại tỉnh Đắk Lắk tăng đột biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các công trình xây dựng. Nhiều nhà thầu rơi vào cảnh khó khăn, các đại lý vật liệu xây dựng buôn bán cầm chừng, còn người dân thì e ngại khi phải sửa chữa hay xây mới nhà cửa.
Ông Trần Quang Bình chủ một doanh nghiệp xây dựng ở Đắk Lắk, có 5 công trình đang thi công thì cả 5 đều rơi vào đình trệ vì thiếu cát. Dù đã huy động tất cả nguồn cung quen biết nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Ông Bình rất lo lắng vì doanh nghiệp của mình đứng trước nguy cơ bị chủ đầu tư xử phạt vì chậm tiến độ.
“Đơn vị đang triển khai thi công một số công trình công ở Đắk Lắk và Đắk Nông. Trước, mỗi lần gọi cát thi công thì chủ mỏ cho chở đổ trong ngày và giá khoảng 300.000 đồng/m³. Mấy ngày trở lại đây, liên hệ các đại lý mua cát thì giá đã tăng lên 70 - 80%, mà không có cát để mua. Giá cát tăng cao ngoài ảnh hưởng tới dự toán thi công, thì còn ảnh hưởng tới tiến độ công trình. Nếu chậm chủ đầu tư sẽ xử phạt, nên kính đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm vấn đề này”, ông Bình cho hay.

Hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ hồi đầu năm 2025 trên sông Krông Na, huyện Krông Ana thời điểm giá cát chưa tăng.
Khảo sát tại thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… cho thấy cát xây dựng hiện đã tăng giá khoảng 70 – 80%, thậm chí một số nơi tăng gần gấp đôi so cách đây 1 tháng. Chị Tạ Bích Trâm, chủ một đại lý vật liệu xây dựng ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, cho biết khoảng 1 tháng trước, giá cát ở mức trên dưới 300.000 đồng/m³, thì nay là trên 500.000 đồng/m³. Dù giá cát “leo thang” mức cao kỷ lục, nhưng nhiều đại lý vật liệu xây dựng vẫn khan hàng, không có cát bán.
“Hiện nay gọi mua cát ngày càng khó khăn ngay cả với đại lý chúng tôi chứ đừng nói với người dân. Một tháng trước tôi gọi thì mỏ cung cấp chở, tính khoảng gần 300.000 đồng/m³, nhưng giờ trên 500.000 đồng/m³. Giá cát cao vậy là khó cho đại lý tụi tôi và người mua xây nhà. Dù giá cao vậy nhưng gọi cũng không có cát nữa cơ. Cát không có thì sắt, đá, xi măng… cũng không thể bán được, vì không có vật liệu trộn xây. Tụi tôi giờ buôn bán đứng một chỗ”, chị Trâm thông tin.

Các mỏ cát được cấp phép ở Đắk Lắk vẫn được phép khai thác khi lực lượng chức năng tiến hành tổng kiểm tra.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng giá cát tăng vọt là do mực nước sông xuống thấp, nhiều tàu thuyền không thể hoạt động khai thác như bình thường. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện khai thác đã hết hạn đăng kiểm, đang phải chờ làm thủ tục đăng kiểm lại để đủ điều kiện vận hành theo quy định pháp luật.

Việc nước sông Krông Na xuống thấp năm nào cũng diễn ra ở Đắk Lắk, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác.
Để khắc phục, Sở đã yêu cầu các đơn vị được cấp phép cần đẩy mạnh tiến độ khai thác, đồng thời đảm bảo đúng quy định pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên tình trạng sông cạn khó khai thác năm nào cũng xảy ra ở Đắk Lắk; các phương tiện khai thác cũng không đồng loạt hết hạn đăng kiểm, nên việc thiếu cát xây dựng khiến giá tăng cao ở Đắk Lắk có thể do nguyên nhân khác.

Sông Krông Na là khu vực khai thác cát lớn phục vụ cho thị trường xây dựng ở Đắk Lắk.
Trung tá Nguyễn Đức Duy – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 5/5, Bộ Công an có công điện chỉ đạo công an các tỉnh thành tổng rà soát toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng. Phòng Cảnh sát Kinh tế đang phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông và Công an các địa phương triển khai đợt cao điểm kiểm tra toàn bộ 21 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, mục tiêu kiểm tra là lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Dư luận cho rằng, việc kiểm tra của ngành công an khiến doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, dẫn đến khan hiếm và tăng giá cát, là không có cơ sở.