Hà Nội rốt ráo kiểm tra an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm của Hà Nội đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ quanh phủ Tây Hồ trên địa bàn quận Tây Hồ.
Theo đó, Đoàn đã kiểm tra thực tế tại nhà hàng Hòa Nhã, nhà hàng Nguyệt Nga, nhà hàng Lâm Tuấn Đạt và nhà hàng Hồng Luyến tại ngõ 50 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
![Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_72_51476888/6ce95442660c8f52d61d.jpg)
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra nhà hàng Hồng Luyến (hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Luyến) tại địa chỉ số 33, ngõ 50 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tại cơ sở được bố trí gọn gàng, sạch sẽ. Về bảo quản thực phẩm, cơ sở cũng đã có các tủ kín để bày bán thực phẩm, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Tuy nhiên, cơ sở còn một số tồn tại như chưa xuất trình giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của hai người lao động và một số các hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm. Xét nghiệm nhanh tinh bột bát đĩa 15/20 đạt, hàn the (bún tươi) đạt.
Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở bổ sung các giấy tờ còn thiếu và duy trì thực hiện nghiêm túc các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị các đoàn kiểm tra của địa phương ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường kiểm tra đột xuất, qua đó kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các đoàn không được "nương tay" với vi phạm. Nếu phát hiện vi phạm, đề nghị các đoàn xử lý nghiêm, thậm chí có thể tạm dừng hoạt động cơ sở.
Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, hiện có khoảng 27 cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ quanh phủ Tây Hồ. Thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của quận và phường đã xử phạt ba cơ sở với 12 triệu đồng (mỗi cơ sở 4 triệu đồng). Hiện nay, quận đang thiết lập hồ sơ xử lý thêm hai cơ sở với 16 triệu đồng (mỗi cơ sở 4 triệu đồng).
Các lỗi vi phạm chủ yếu là khâu vệ sinh. Đó là vấn đề vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh trong khâu chế biến, đặc biệt là vấn đề lưu mẫu thực phẩm và kiểm thực 3 bước. Quận cũng lưu ý khâu quan trọng trong kiểm tra đó là nguồn gốc xuất xứ các nguyên liệu để các loại bánh như bánh tôm, bánh bột lọc…
Qua kiểm tra, các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ quanh phủ Tây Hồ có chuyển biến tích cực. Trước đó, tuy các cơ sở đã được tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm nhưng khi đoàn liên ngành kiểm tra vẫn có một số cơ sở bị xử phạt.
Kiểm tra thực tế, đoàn quan sát thấy, nhân viên các nhà hàng đều đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến thực phẩm. Tại các cơ sở bày bán đều có tủ kính đựng bánh, thực phẩm. Đoàn cũng lưu ý khi thời tiết nắng nóng, các cơ sở cần bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh, thực phẩm chế biến trong ngày, ăn đến đâu bày bán đến đó,” Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ nêu rõ.
Qua kiểm tra các cơ sở tại lễ hội nói chung và các nơi khác nói riêng, quan trọng nhất, các cơ sở cần lưu ý nguồn gốc thực phẩm, hồ sơ nguồn gốc xuất xứ, bảo quản thực phẩm, hồ sơ kiểm thực ba bước (từ hồ sơ nhập nguyên liệu xuất xứ đầu vào, chế biến, lưu mẫu) để bảo vệ cho chính cơ sở của mình và người dân nếu có vấn đề gì đó xảy ra.
Mùa lễ hội không chỉ là thời điểm để người dân và du khách tận hưởng những niềm vui mà còn là cơ hội để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, việc kinh doanh thực phẩm trong các khu lễ hội thường mang tính chất thời vụ, với nhiều cơ sở, hộ kinh doanh cá thể thiếu chuyên nghiệp và không đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong các khu lễ hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thường thiếu đầu tư và không đủ nguồn lực để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm bị xem nhẹ, dẫn đến nhiều sai phạm trong quá trình chế biến và phục vụ thực phẩm. Thực tế cho thấy, những cơ sở này không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, và nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ một số điều kiện cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm như điều kiện cơ sở vật chất: Địa điểm kinh doanh phải có diện tích phù hợp, đảm bảo khoảng cách an toàn với nguồn gây ô nhiễm. Cơ sở cần có nguồn nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc chế biến thực phẩm.
Trang thiết bị: Cần có các trang thiết bị phù hợp để chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm mà không gây ô nhiễm. Các dụng cụ phải được vệ sinh thường xuyên, có thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại.
Đội ngũ nhân viên: Người tham gia chế biến thực phẩm phải được đào tạo về an toàn thực phẩm và có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm.
Nguyên liệu chế biến: Nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật trước khi sử dụng.
Khi các cơ sở hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mức xử phạt sẽ được áp dụng tùy theo mức độ vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi sau: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh. Thiếu dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm riêng biệt cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến. Sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại vào khu chế biến.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi sau: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm thực ba bước.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn. Sử dụng phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm thực phẩm. Các khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh như cống rãnh thoát nước bị ứ đọng, không có dụng cụ thu gom rác thải đúng quy chuẩn.
Mức phạt quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP. Đặc biệt, đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, để khắc phục tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khu lễ hội, các cơ sở kinh doanh cần đặc biệt chú trọng đến việc tuân thủ các quy định pháp luật.
Bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị, các cơ sở cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và tránh các rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao ý thức của các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, việc tuyên truyền, đào tạo về an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở và nhân viên cũng rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh thực phẩm tại các khu vực lễ hội.
Vi phạm an toàn thực phẩm trong các khu lễ hội không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của các cơ sở kinh doanh.
Do đó, việc thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm là vô cùng cần thiết. Các cơ sở kinh doanh cần chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ, tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo niềm tin cho khách hàng.
Mùa lễ hội xuân 2025 đang diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước, thu hút đông đảo du khách tham gia. Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội mang tính chất thời vụ, chưa được đầu tư đầy đủ, thiếu chuyên nghiệp và thường xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể không đáp ứng các yêu cầu cần thiết về an toàn thực phẩm.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và sự cố an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm, đặc biệt là tại những địa phương tổ chức lễ hội, nơi tập trung đông người.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn có thể xảy ra ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm và tại mọi địa phương, đặc biệt là tại những khu vực tổ chức lễ hội lớn, nơi tập trung đông đảo người tham gia.
Trước tình hình đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cũng như các địa điểm phục vụ lễ hội, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.