Hà Nội: Nhiều hoạt động văn hóa sau dịp Tết

Dịp sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP. Hà Nội có nhiều sự kiện hấp dẫn, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhiều hoạt động văn hóa đã được TP. Hà Nội tổ chức. Đáng chú ý là chuỗi hoạt động đón Tết kéo dài từ 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức ngày 20.1 Dương lịch) đến mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ (tức ngày 6.2 Dương lịch), tại Hoàng thành Thăng Long diễn ra với nhiều nội dung đặc sắc. Ngoại trừ ngày 28.1 (tức 29 tháng Chạp, Âm lịch) và ngày 29.1 (tức 1 tháng Giêng, Âm lịch), Hoàng thành Thăng Long mở cửa xuyên suốt Tết Ất Tỵ 2025.

Điểm nhấn của đón Tết ở Hoàng thành năm nay là trải nghiệm không gian trưng bày “Tết xưa - Tết thời bao cấp”, tái hiện một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của đất nước. Trưng bày được bố cục theo ba khu vực: gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh - hoa - pháo Tết và không gian thờ cúng.

 Hoàng thành Thăng Long là điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước

Hoàng thành Thăng Long là điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước

Bên cạnh đó, chương trình còn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” để tiễn năm cũ qua đi, đón năm mới sắp đến, với các nghi thức truyền thống như: Lễ tiến lịch, Lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo, Lễ dựng nêu và Lễ đổi gác.

Đặc biệt, nghi lễ Khai xuân sẽ được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng với nghi thức dâng hương trang trọng, hướng về cội nguồn nhằm tri ân công đức các bậc tiền đế và các tôn vinh giá trị truyền thống.

Những ngày đầu năm, du khách và nhân dân cũng có thể Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong chuyến du xuân 2025 để trải nghiệm Hội chữ Xuân Ất Tỵ với nhiều hoạt động hấp dẫn. Năm nay, có đến 47 gian lều của các nhà thư pháp tại hồ Văn trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám để du khách tới xin chữ.

Bên cạnh hoạt động xin chữ - cho chữ đầu năm, Hội chữ Xuân Ất Tỵ còn giới thiệu đến đông đảo du khách thập phương các triển lãm ấn tượng. Triển lãm “Thực học” trưng bày khoảng 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ.

Triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” mang đến 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản, được chọn lọc từ Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam.

Triển lãm “Vẽ con rắn” giới thiệu 77 tác phẩm tranh minh họa của các họa sĩ Việt đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Các tác phẩm đều mang đến những góc nhìn đa dạng về rắn - linh vật của năm mới Ất Tỵ

Du khách và người dân cũng có thể du xuân, trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại các lễ hội đặc sắc của Thủ đô Hà Nội như: lễ hội độc đáo - Lễ rước “Ông Lợn” ở làng La Phù, (xã La Phù, huyện Hoài Đức). Khác với nhiều lễ hội khác, kiệu rước thành hoàng là trung tâm đám rước thì ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) kiệu lại dành để khiêng “Ông lợn.” Lễ rước “Ông lợn” được người dân làng La Phù tổ chức vào tối ngày 13 tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp để người dân làng La Phù tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi.

 Trước khi diễn ra lễ hội, người dân chọn ra những người đóng vua, chúa và các quan. Những người được lựa chọn phải là các bậc cao niên có uy tín

Trước khi diễn ra lễ hội, người dân chọn ra những người đóng vua, chúa và các quan. Những người được lựa chọn phải là các bậc cao niên có uy tín

Hoặc tham dự lễ hội Đền Sái (làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) với nghi lễ rước vua giả độc đáo có một không hai. Lễ hội gắn liền với nhiều hoạt động thú vị như rước vua, rước chúa, chém gà tinh…

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ha-noi-nhieu-hoat-dong-van-hoa-sau-dip-tet-post403498.html
Zalo