Hà Nội giữ tên gọi đặc thù Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đặt cho phường sau sáp nhập

TP Hà Nội nêu nguyên tắc đặt tên xã, phường sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, trong đó ưu tiên giữ lại các tên gọi đặc thù như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

TP Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Sau đợt sắp xếp cuối năm 2024 theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên địa bàn thành phố hiện có 526 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.

Thực hiện kết luận của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thời gian tới TP Hà Nội sẽ bỏ đơn vị hành chính cấp quận. TP Hà Nội cũng căn cứ theo dự kiến của Trung ương sẽ giảm khoảng 50% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp.

Căn cứ theo đề xuất của Bộ Nội vụ, từ ngày 1/7/2025, tất cả 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động. Số đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội cũng sẽ giảm một nửa xuống còn khoảng 260 xã, phường.

TP Hà Nội đang gấp rút xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Trung Nguyên

TP Hà Nội đang gấp rút xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Trung Nguyên

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm khi bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã trên địa bàn Thủ đô là đặt tên đơn vị hành chính mới và những cái tên đã "ăn vào máu thịt" người dân có bị lãng quên hay không?

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện ngày 3/4, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nêu nguyên tắc đặt tên các xã, phường mới sau sáp nhập. Căn cứ theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên gọi của xã, phường mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

Hà Nội cũng khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn số thứ tự. Ông Trần Đình Cảnh nêu ví dụ đặt tên Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2… cho cấp xã, phường mới. Việc này để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng cho biết, thành phố cũng khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Với đơn vị hành chính trong nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô, TP Hà Nội sẽ lựa chọn tên quận trước khi sáp nhập đặt cho tên phường sau sắp xếp.

Bốn quận nội đô lịch sử của TP Hà Nội hiện nay gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Căn cứ theo tiêu chí trên, ông Trần Đình Cảnh nêu ví dụ tên Hoàn Kiếm hiện nay sẽ đặt cho cấp phường sau sắp xếp.

Quận Đống Đa (17 phường), sau sắp xếp tên quận hiện nay được đặt cho một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn quận Hai Bà Trưng (15 phường), sau sắp xếp tên quận hiện nay được đặt cho một đơn vị đặt tên là Hai Bà Trưng, một đơn vị đặt tên là Bạch Mai.

Như vậy, sau sắp xếp, tên đơn vị hành chính cấp quận, huyện của TP Hà Nội không bị mất đi, mà được đặt tên có cấp xã, phường mới. Còn đơn vị hành chính cấp xã, phường gắn với địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu được lựa chọn đặt tên cho đơn hành chính liền kề.

Quang Phong/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ha-noi/ha-noi-giu-ten-goi-dac-thu-hoan-kiem-hai-ba-trung-dat-cho-phuong-sau-sap-nhap-20250406100908518.htm
Zalo