Hà Nội còn trên 230 điểm có nguy cơ ùn tắc cần có phương án xử lý

Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, góp phần tạo nên văn hóa giao thông văn minh.

Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 13/1, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chia sẻ thông tin về việc Sở đang tiến hành rà soát và báo cáo UBND thành phố về 66 nút đèn tín hiệu giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đồng thời, Sở GTVT cũng triển khai lắp đặt hệ thống camera giao thông kết nối với CSGT thành phố, nhằm sử dụng hình ảnh từ camera để xử lý vi phạm giao thông thông qua hình thức phạt nguội. Mục đích của các biện pháp này là nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông tại thủ đô, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và giảm thiểu vi phạm.

Được biết, từ ngày 1/1/2025, khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, ý thức của người dân tham gia giao thông cải thiện rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ đã được hạn chế.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

Ngoài ra, liên quan đến phản ánh của người dân tại một số nút giao trên địa bàn TP Hà Nội, chu kỳ đèn giao thông có đèn đỏ tới 120 giây, trong khi pha đèn xanh rất ngắn khiến người dân phải chờ lâu để di chuyển qua.

Ông Trần Hữu Bảo lý giải, việc pha đèn dài hay ngắn tại các nút giao do đều liên quan đến kỹ thuật và lưu lượng phương tiện tại khu vực đó. Chu kỳ đèn phụ thuộc vào việc cân đối lưu lượng theo các hướng và được tính toán cụ thể.

Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp cung cấp hình ảnh vi phạm khi tham gia giao thông của phương tiện để CSGT TP tiến hành xử phạt

Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp cung cấp hình ảnh vi phạm khi tham gia giao thông của phương tiện để CSGT TP tiến hành xử phạt

Lãnh đạo Sở giải thích thêm, bất kỳ nút đèn nào cũng chỉ đáp ứng được trong một lưu lượng nhất định, nếu xảy ra quá tải phương tiện thì nút đèn cũng mất tác dụng. Trong khi đó, nhiều nút giao thông tại Hà Nội hiện nay có lưu lượng xe vượt rất nhiều so với khả năng đáp ứng, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Do vậy, phải ưu tiên tuyến chính, tuyến có lưu lượng lớn hơn, giải phóng lưu lượng nhanh nhất.

Trường hợp một số đèn tín hiệu "đang đỏ bất ngờ chuyển sang xanh", vị lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, hiện có hơn 800 đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố do Sở GTVT quản lý, nhưng không thể có thiết bị nào hoạt động mà không bao giờ bị trục trặc. Tuy nhiên, khi có thông tin về đèn tín hiệu gặp vấn đề, Sở GTVT ngay lập tức cho sửa chữa, điều chinh với sự tham gia của "đội phản ứng nhanh".

Về việc lắp đặt mũi tên cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ, ông Trần Hữu Bảo cũng cho biết, Hà Nội đã triển khai từ trước đến nay tại những vị trí đủ điều kiện đều cho rẽ phải. TP.HCM đã tham khảo cách thức triển khai từ Hà Nội. Đồng thời, Sở GTVT đang giao ban duy tu, các đội đèn rà soát lại các nút đủ điều kiện, tiếp tục bố trí thêm các nút rẽ phải.

Năm 2024, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý được 13/33 điểm ùn tắc nhưng lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, đưa số điểm ùn tắc hiện nay tại Hà Nội lên 36 điểm. Đáng chú ý, qua rà soát trên địa bàn thành phố còn trên 230 điểm có nguy cơ ùn tắc, cần phải có phương án xử lý, tránh để thành những điểm ùn tắc thường xuyên.

Trang Nguyễn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ha-noi-con-tren-230-diem-co-nguy-co-un-tac-can-co-phuong-an-xu-ly-466309.html
Zalo