Việt Nam-Ba Lan thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ba Lan sắp tới mang ý nghĩa quan trọng, góp phần gia tăng sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan trong những lĩnh vực tiềm năng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc sáng 25/6/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc sáng 25/6/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến ngày 23/1.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác của Thủ tướng là Ba Lan. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ba Lan từ 16-18/1 theo lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị lâu đời với các nước bạn bè truyền thống ở Trung Đông Âu, trong đó có Ba Lan.

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới; là cơ hội để các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ba Lan gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về những vấn đề quan trọng, từ đó xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, thể hiện cam kết trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững.

75 năm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt

Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.

Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.

Về phía Việt Nam có các chuyến thăm Ba Lan của: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5/1997); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 10/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2013); Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 (AEMM-24) và Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 (IPMF-3) (tháng 2/2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc (tháng 6/2024); Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương thăm làm việc tại Ba Lan (tháng 3/2024)…

Về phía Ba Lan có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Aleksander Kwasniewski (tháng 3/1999); Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Longin Pastusiak (tháng 9/2003); Thủ tướng Marek Belka (tháng 1/2005); Thủ tướng Donald Tusk thăm chính thức (tháng 9/2010); Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 11/2017); Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau (tháng 3/2023); Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Władysław Teofil Bartoszewski (tháng 12/2024)…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc sáng 25/6/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc sáng 25/6/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Gần đây, nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (ngày 25/6/2024).

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Ngoài ra, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam-Ba Lan không ngừng phát triển. Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan. Về phía Ba Lan, Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam đã được thành lập tại cả Thượng viện và Hạ viện.

Trên các diễn đàn đa phương, hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU); phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại mỗi nước trong năm 2025, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan (4/2/1950-4/2/2025).

Về thương mại, Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu, Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á. Ba Lan đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 2.773 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 373 triệu USD, xuất khẩu 2.400 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong 11 tháng năm 2024 đạt 3.151 triệu USD.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài.

Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai học viện Ngoại giao Việt Nam-Ba Lan sáng 16/3/2023. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai học viện Ngoại giao Việt Nam-Ba Lan sáng 16/3/2023. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Về hợp tác giáo dục-đào tạo, mới đây, phía Ba Lan thông báo sẵn sàng tăng tiếp số học bổng cấp hàng năm cho sinh viên Việt Nam từ 20 lên 50 suất. Hiện nay, hai bên đang đàm phán để ký kết thỏa thuận về hợp tác đào tạo giai đoạn 2025-2028.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 25.000 người, đóng góp vào việc phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước và được chính quyền Ba Lan đánh giá tích cực. Một số Việt kiều tại Ba Lan đã quay về nước đầu tư tương đối thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ba Lan tiếp nối các chuỗi hoạt động đối ngoại năng động, tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua, khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của các nước.

Chuyến thăm càng có ý nghĩa khi từ 1/1/2025, Ba Lan giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), với vị thế, vai trò ngày quan trọng trong EU, trong khi Việt Nam và EU cũng đang kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chuyến thăm Ba Lan của Thủ tướng Chính phủ góp phần thúc đẩy việc thông qua vai trò của Ba Lan tại EU để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-Ba Lan nói riêng, Việt Nam-EU nói chung.

 Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Rohrenschef đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Ba Lan sáng 30/5/2024. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Rohrenschef đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Ba Lan sáng 30/5/2024. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ba Lan tới đây mang ý nghĩa quan trọng, góp phần gia tăng sự tin cậy chính trị, thúc đẩy và đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực… sang một giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, dược phẩm, đổi mới sáng tạo. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy để hai nước tiến tới nâng cấp quan hệ ngoại giao.

Bên cạnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng là cơ hội để Việt Nam cùng Ba Lan đẩy mạnh hợp tác nhằm kết nối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Đông Âu và giữa Ba Lan với ASEAN, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Joanna Skoczek, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ba Lan trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Việt Nam (4/2/1950-4/2/2025) rất có ý nghĩa. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Ba Lan sau 17 năm.

Chuyến thăm là cơ hội để hai bên cùng đánh giá lại quan hệ hợp tác song phương và xác định các lĩnh vực cùng quan tâm, có thể đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

 Doanh nghiệp Việt Nam-Ba Lan trao đổi cơ hội hợp tác tại Giao lưu thương mại Việt Nam-Ba Lan ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Doanh nghiệp Việt Nam-Ba Lan trao đổi cơ hội hợp tác tại Giao lưu thương mại Việt Nam-Ba Lan ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm lần này, do đó, đây là cơ hội để tạo ra không gian cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước, tăng cường sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy kim ngạch thương mại, trao đổi khoa học và học thuật.

Theo Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Joanna Skoczek, hai nước đều có kinh nghiệm về tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, không ngừng trong những năm qua. Bên cạnh đó, hai nước đều đứng trước một số thách thức phát triển, chẳng hạn như quá trình chuyển đổi năng lượng hoặc nhu cầu số hóa.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến hợp tác kinh tế, sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), từ đó thúc đẩy các ý tưởng hợp tác.

"Là một quốc gia thành công về kinh tế, nền kinh tế lớn thứ 6 của Liên minh châu Âu, nền kinh tế thứ 21 trên toàn cầu, Ba Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học, bí quyết của mình với các đối tác Việt Nam," Đại sứ Ba Lan Joanna Skoczek khẳng định./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-ba-lan-thuc-day-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-va-hop-tac-nhieu-mat-post1007495.vnp
Zalo