CSGT Thủ đô căng mình chống ùn tắc giao thông cuối năm

Với mật độ người và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến, nhiều nút giao thông lớn bị quây rào chắn vì thi công kéo dài. Hiện nhiều tuyến đường vành đai và cả trong nội đô cũng đang trong quá trình vừa hoàn thiện vừa sử dụng… Tất cả những nguyên nhân trên đã khiến giao thông của Hà Nội lâm vào cảnh tượng ùn tắc kéo dài không chỉ trong giờ cao điểm.

Ùn tắc kéo dài ở nhiều tuyến đường

Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì trong những ngày qua đã lâm vào cảnh tượng ùn tắc giao thông (UTGT). Không khó để nhận thấy cảnh tượng ùn tắc trên tuyến đường Giải Phóng xuống bến xe Nước Ngầm, vòng qua đường vành đai cũng như các đường dẫn, nút giao dọc trục đường cao tốc trên cao từ cầu Thanh Trì hướng về Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng…

Lực lượng CSGT được tăng cường ứng trực phân luồng đảm bảo an toàn cho người dân đi lại dịp Tết. Ảnh: Chiến Thắng

Lực lượng CSGT được tăng cường ứng trực phân luồng đảm bảo an toàn cho người dân đi lại dịp Tết. Ảnh: Chiến Thắng

Ùn tắc đã trở thành nỗi ám ảnh của những lái xe trên các tuyến đường này nhất là vào giờ cao điểm. Có thời điểm ùn tắc giao thông còn kéo dài trên đường vành đai trên cao đến tận đêm khuya.

Chỉ huy tổ công tác làm nhiệm vụ điều hướng giao thông tại nút giao Giải Phóng – Kim Đồng, Trung tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Trong các giờ cao điểm, ngày cuối tuần, trước và ngày cuối của các ngày nghỉ lễ, Tết, lưu lượng phương tiện thường gia tăng đột biến gây UTGT trên các tuyến trục chính ra vào cửa ngõ phía Nam. Nguyên nhân của tình trạng ùn ứ trên chủ yếu là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, quá tải so với diện tích thiết kế của mặt đường; va chạm, tai nạn giao thông (TNGT); ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, không đi đúng làn đường, phần đường gây cản trở giao thông. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi buôn bán cũng gây cản trở giao thông...

Còn trên địa bàn quận Đống Đa, UTGT cũng xuất hiện trên nhiều tuyến đường. Thông tin với PV, Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, đường vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội, dài 43,6km. Những ngày thường, mật độ phương tiện đã cao, thậm chí có những lúc quá tải. Vào những ngày cận Tết, khi nhu cầu di chuyển, đi lại và mua sắm của người dân tăng cao, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này lại càng lớn, gấp nhiều lần so với bình thường dẫn tới ùn tắc.

Thông tin với PV, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, để đảm bảo giao thông vận tải Thủ đô đáp ứng được các yêu cầu thì tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh đạt từ 3-4%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 50-55%. Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,35%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 19,5%. Trong khi đó, hằng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm (Hiện, Công an TP Hà Nội đang quản lý 8.157.338 phương tiện, trong đó: 1.172.523 xe ôtô, 6.984.815 xe môtô), vì vậy tình trạng UTGT trên địa bàn thành phố là tất yếu và diễn biến ngày càng phức tạp.

Nhiều tuyến đường, cầu đã quá tải nhiều lần so với thiết kế, cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 trên cao có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm (gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế); cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm (gấp 6,3 lần lưu lượng thiết kế); cầu Chương Dương 96.506 xe/ ngày đêm (gấp 8,04 lần lưu lượng thiết kế); cầu Nhật Tân 81.470 xe/ ngày đêm (gấp 1,45 lần lưu lưu lượng thiết kế); một số tuyến, nút giao thông chính như đường Tố Hữu vượt khả năng thông hành từ 1,1-1,7 lần; đường Huỳnh Thúc Kháng vượt 1,2-1,8 lần; phố Thái Hà vượt từ 1,1-1,24 lần; nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi vượt từ 3,3 – 5,6 lần; nút Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh vượt từ 1,3 – 7,4 lần; nút Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám vượt từ 1,5 – 3,9 lần...).

Tăng cường 100% quân số chống ùn tắc

Sức ép dẫn tới UTGT không chỉ bắt nguồn từ phương tiện gia tăng nhanh chóng, đường nhỏ, phố hẹp, vừa thi công vừa sử dụng…, mà còn nhiều bất cập, tồn tại về tổ chức giao thông khiến cho tình trạng ùn tắc liên tục lặp lại, kéo dài. Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đánh giá, hiện công tác tổ chức giao thông chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, hệ thống biển báo, vạch sơn nhiều vị trí chưa khoa học, chưa đúng quy chuẩn, chưa được duy tu, sửa chữa, vệ sinh thường xuyên dẫn đến người tham gia giao thông khó nhận biết, chấp hành; việc phân làn, điều chỉnh tổ chức giao thông còn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ, chưa mang tính tổng thể.

Một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến thắt nút cổ chai. Các đường vành đai đa phần chưa khép kín nên việc lưu thông của phương tiện và việc kết nối giữa các tuyến đường khó khăn. Hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu về đỗ xe của người dân, thiếu bãi đỗ xe ngầm, nổi. Việc rào chắn thi công các dự án giao thông thu hẹp lòng đường thường xuyên diễn ra trên địa bàn thành phố. Nhiều nơi bố trí hệ thống biển báo, người cảnh báo chưa đầy đủ, thường xuyên. Bất cập về quy hoạch, xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng dẫn đến việc đỗ xe tràn lan ngoài đường gây UTGT.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Từ ngày 15/12/2024, đơn vị đã triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT sẽ được huy động tối đa, tập trung phân luồng, điều tiết giao thông phòng ngừa ùn tắc. Ngoài ra, CSGT cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ùn tắc, TNGT, bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi, vui xuân đón Tết an toàn.

Giải pháp trước mắt được Phòng CSGT triển khai đó là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa bàn khảo sát thực tế, phát hiện các bất cập về tổ chức giao thông, nhất là tại các tuyến, nút giao trọng điểm phức tạp để kiến nghị đề xuất các đơn vị chức năng khắc phục; theo dõi lưu lượng, mật độ giao thông tại từng nút giao để điều chỉnh chu kỳ đèn theo từng thời điểm, phù hợp. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án giao thông trọng điểm thi công thu hẹp lòng đường để có phương án phân luồng tổ chức giao thông tối ưu phù hợp với thực tế, cũng như kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm của nhà thầu và đơn vị thi công không chấp hành các quy định trong giấy phép. Khảo sát, đề xuất bố trí các điểm giao thông tĩnh tại các vị trí đủ điều kiện về hạ tầng, mật độ giao thông phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh; thu hồi các điểm giao thông tĩnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Áp lực về UTGT trên những tuyến đường này luôn đè nặng lên vai CSGT và lực lượng chức năng. Để chống ùn tắc, đơn vị xây dựng các phương án từ sớm, phối hợp với các lực lượng khác để điều tiết tại những điểm nóng, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết", Trung tá Đặng Hồng Giang cho biết thêm. Còn Trung tá Phạm Đức Hoàng thông tin, đơn vị đã tăng cường 100% CBCS ứng trực tại 14 nút giao thông trọng điểm để chống ùn tắc. Ngoài ra, đơn vị còn bổ sung thêm 5 chốt chống UTGT tại chỗ, trong đó trên tuyến vành đai 3 và tuyến Giải Phóng – Ngọc Hồi cũng như phối hợp với Đội CSGT đường bộ số 5 và số 6, số 8 để phân luồng từ xa để hạn chế phương tiện vào khu vực UTGT.

Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, trên cơ sở phương án của phòng, đơn vị chủ động tăng cường 100% quân số ứng trực 24/24h để sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ, phòng chống ùn tắc tại tất cả các nút giao trọng điểm trên địa bàn, các khu vực chợ hoa, chợ Tết, nhà ga, bến xe có nguy cơ xảy ra UTGT. Ngoài ra, Đội CSGT số 6 còn tăng cường tuần tra kiểm soát cơ động trên tất cả các tuyến đường để kịp thời xử lý sự cố giao thông. Phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm soát liên tuyến. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin đến nhân dân các tình huống, sự cố giao thông, phân luồng giao thông của lực lượng chức năng. Bố trí lực lượng xử lý triệt để các hành vi là nguyên nhân gây ùn tắc, TNGT như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lấn làn; xe khách chạy rùa bò, nhồi nhét, đón trả khách sai quy định…

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/csgt-thu-do-cang-minh-chong-un-tac-giao-thong-cuoi-nam-i756573/
Zalo