Hà Nội chốt phương án sắp xếp đơn vị hành chính, thực hiện chính quyền 2 cấp
Việc sắp xếp 526 xã, phường, thị trấn dự kiến thành 126 xã, phường mới của thành phố và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Sáng 29/4, HĐND thành phố Hà Nội khai kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 1 ngày.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp
Kỳ họp chuyên đề của HĐND Thành phố xem xét một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, kỳ họp với 4 nhóm vấn đề rất quan trọng. Đó là, HĐND Thành phố sẽ xem xét, quyết nghị về chủ trương việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tập trung, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới.
HĐND Thành phố tiếp tục xem xét Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Thành phố để gửi Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, khẩn trương; bám sát các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, định hướng của Trung ương, của Thành phố và đảm bảo các bước quy trình theo quy định. "Việc sắp xếp 526 xã, phường, thị trấn dự kiến thành 126 xã, phường mới của Thành phố và tới đây thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và Thành phố về xây dựng bộ máy đơn vị hành chính cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho nhân dân; đồng thời tạo động lực, điều kiện tốt nhất để Thủ đô tiếp tục phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Về các nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội cho biết, để khẩn trương cụ thể hóa các quy định của Luật, tại kỳ họp này, HĐND Thành phố tiếp tục xem xét các nghị quyết, gồm: quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường; danh mục bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản, công trình kiến trúc; quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Đại biểu tham dự kỳ họp
Bên cạnh đó, HĐND Thành phố xem xét và quyết nghị chuyên đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, quy hoạch: Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công; quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án giao thông rất quan trọng là: dự án Cầu Ngọc Hồi và dự án đường kết nối cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; thông qua danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm theo Nghị quyết số 171 của Quốc hội; điều chỉnh, bổ sung danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xem xét Đồ án quy hoạch xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội. Đây là những nghị quyết để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, khai thác tối đa các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô phát triển bứt phá, đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
HĐND thành phố Hà Nội cũng xem xét quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người có công; hỗ trợ các lực lượng làm công tác quản lý, phòng, chống ma túy; mức hỗ trợ để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên địa bàn Thành phố.