Hà Nội bước vào đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Sáng nay (17/12), các hệ thống quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam đều ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Dự báo cho thấy, đợt ô nhiễm này còn kéo dài trong nhiều ngày tới, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tất cả mọi người.
Theo ứng dụng quan trắc không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáng nay, mức cảnh báo đỏ (mức có hại cho sức khỏe mọi người) bao trùm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thái Nguyên, trong đó riêng tại Thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí lên mức tím (mức rất có hại cho sức khỏe mọi người).
Hệ thống cũng ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Dương với chỉ số chất lượng không khí AQI phổ biến từ 150-200, mức có hại cho sức khỏe mọi người.
Theo dự báo của hệ thống chất lượng không khí của đại sứ quán Mỹ, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn kéo dài ít nhất đến cuối tuần này với mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi ô nhiễm không khí lên đến ngưỡng xấu và rất xấu, mọi người cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm trong ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.
Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, cần sử dụng khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2,5.
Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.
Thực hiện vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch thì cần theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 – loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có khả năng xâm nhập sâu vào trong phổi, gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch.
Tại Hà Nội và khu vực miền Bắc, ô nhiễm có tính quy luật theo mùa, tập trung chủ yếu vào mùa đông, từ khoảng tháng 10-11 của năm trước đến tháng 4 năm sau. Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng dao động, tập trung vào 6-8h sáng và 17-19h chiều.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có ít nhất 70.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí, trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Con số này gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong suốt đại dịch COVID- 19. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đối xử với ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã đối xử với COVID-19 - coi đó như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi hành động ở các mức độ khác nhau.