Hạ huyết áp bằng cách tăng kali quan trọng hơn là cắt giảm muối

Một nghiên cứu mới đây gợi ý cách hiệu quả nhất để hạ huyết áp cao là tăng cường lượng kali trong chế độ ăn, thay vì chỉ đơn thuần cắt giảm natri (muối).

Quan điểm truyền thống lâu nay trong việc điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp thường nhấn mạnh vào việc hạn chế tối đa lượng muối tiêu thụ.

 Một nghiên cứu mới đây gợi ý cách hiệu quả nhất để hạ huyết áp cao là tăng cường lượng kali trong chế độ ăn, thay vì chỉ đơn thuần cắt giảm natri (muối). Ảnh: PHƯƠNG LÊ.

Một nghiên cứu mới đây gợi ý cách hiệu quả nhất để hạ huyết áp cao là tăng cường lượng kali trong chế độ ăn, thay vì chỉ đơn thuần cắt giảm natri (muối). Ảnh: PHƯƠNG LÊ.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ - Sinh lý học Thận (American Journal of Physiology - Renal Physiology) cho thấy, việc bổ sung kali một cách hợp lý qua thực phẩm có thể là phương pháp dễ dàng và mang lại hiệu quả cao hơn trong kiểm soát huyết áp

Nghiên cứu đã phát hiện gì?

Dùng mô hình toán học, nhóm nghiên cứu mô phỏng tác động của các tỷ lệ natri-kali khác nhau lên cơ thể (thận, tim mạch, tiêu hóa). Kết quả cho thấy chế độ ăn nhiều kali hơn giúp hạ huyết áp, ngay cả khi lượng natri vẫn ở mức bình thường hoặc cao. Khi kali tăng, huyết áp có xu hướng giảm, bất kể lượng natri.

Mô hình cũng chỉ ra nam giới có thể giảm huyết áp rõ rệt hơn khi tăng tỷ lệ kali/natri so với phụ nữ tiền mãn kinh. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là kết quả từ mô hình máy tính và chỉ mang tính xấp xỉ.

Cơ chế hoạt động của kali, natri và huyết áp

Sự cân bằng natri và kali rất quan trọng. Quá nhiều natri khiến cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích máu và áp lực lên mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp. Kali làm ngược lại, giúp giãn thành mạch máu, giảm áp lực và hạ huyết áp.

Chuyên gia dinh dưỡng giải thích, thận dùng kali để đào thải natri qua nước tiểu. Ăn nhiều kali giúp thận loại bỏ natri hiệu quả hơn và sẽ giúp hạ huyết áp.

Làm thế nào để tăng cường kali hiệu quả?

Cách tốt nhất là tăng kali qua thực phẩm lành mạnh, không phải chất bổ sung (có nguy cơ). FDA khuyến nghị 4.700 mg kali/ngày, AHA khuyến nghị 3.500 - 5.000 mg cho người cao huyết áp. Phần lớn người Việt không đạt mức này.

Ngoài chuối (khoảng 422 mg/quả), bạn có thể bổ sung kali từ mơ khô, đậu lăng, khoai tây nướng, rau bina, cá hồi.

Tỷ lệ Kali-Natri phù hợp cho bạn

Không có tỷ lệ "vàng" chung cho tất cả. Nhu cầu phụ thuộc vào sức khỏe, lối sống cá nhân. AHA khuyến nghị giới hạn natri 1.500 - 2.300 mg/ngày. Kết hợp với 4.700 mg kali sẽ cho tỷ lệ kali gấp đôi natri (2:1).

Kiểm soát natri khó hơn khi ăn ngoài. Chuyên gia dinh dưỡng gợi ý trong trường hợp này, tập trung tăng kali có thể dễ thực hiện hơn. Tham khảo chuyên gia dinh dưỡng là cách tốt để tìm kế hoạch phù hợp.

Những thay đổi nhỏ để cân bằng kali và natri

Kiểm soát natri: Dưới 2.300 mg/ngày, chia đều lượng natri trong các bữa.

Tăng kali từ từ: Bắt đầu với lượng nhỏ và tăng dần để tránh vấn đề tiêu hóa do chất xơ cao.

Thay thế từng bữa: Thay một món giàu kali vào mỗi bữa ăn (ví dụ: chuối thay dâu tây bữa sáng, rau bina thay xà lách bữa trưa, thêm đậu/đậu lăng bữa tối).

Chế độ ăn cần "thú vị" và "cá nhân hóa" để duy trì lâu dài. Sức khỏe tim mạch đòi hỏi kế hoạch bền vững.

PHƯƠNG LÊ

Theo Health

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ha-huyet-ap-bang-cach-tang-kali-quan-trong-hon-la-cat-giam-muoi-post847663.html
Zalo