Hà Giang: Phát huy hiệu quả mô hình 'Ban Phòng chống mua bán người'
Chiều 18/2, tại huyện Mèo Vạc, Hội LHPN tỉnh Hà Giang và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo Sơ kết mô hình Ban Phòng chống mua bán người tại cộng đồng năm 2023-2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Giang Trần Thị Yến Nga phát biểu tại hội thảo
Hội thảo nhắm đánh giá hoạt động đã triển khai mô hình "Ban Phòng chống mua bán người" tại cộng đồng; cũng là cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người.
Đặc biệt, các đại biểu cùng chia sẻ về xu hướng và sự thay đổi của tội phạm mua bán người; sự phù hợp của mô hình "Ban Phòng chống mua bán người" trong kế hoạch phòng chống mua bán người tại địa phương; đồng thời, thảo luận tính bền vững và việc nhân rộng mô hình "Ban Phòng chống mua bán người" cấp xã/thôn tại huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và các huyện khác trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Giang Trần Thị Yến Nga cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Hà Giang, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc, Đồng Văn đã phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng xanh triển khai nhiều mô hình đem lại hiệu quả, giúp phụ nữ, trẻ em đang gặp khó khăn ổn định cuộc sống, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, tiêu biểu như mô hình "Ban Phòng chống mua bán người" cấp thôn (42 thôn thuộc 04 xã: Giàng Chu Phìn, Khâu Vai, Thượng Phùng, Xín Cái - huyện Mèo Vạc và 14 thôn thuộc 02 xã: Hố Quáng Phìn, Lũng Táo - huyện Đồng Văn).
Triển khai mô hình này, theo bà Trần Thị Yến Nga, đối tượng hưởng lợi là người dân; trong đó đặc biệt quan tâm, tập trung vào những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhằm nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống mua bán người, cách phòng tránh, hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế, cải thiện cuộc sống; đồng thời, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác phòng chốn mua bán người cấp tỉnh, huyện, xã.

Toàn cảnh Hội thảo Sơ kết mô hình Ban Phòng chống mua bán người tại cộng đồng năm 2023-2024
Trong giai đoạn 2023-2024, khi triển khai mô hình đã phát hiện ra 347 công dân đi làm ăn xa nhà tại các công ty, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Về truyền thông, giai đoạn này, Ban Phòng chống mua bán người cấp xã tổ chức được 252 buổi truyền thông, sinh hoạt theo 06 chủ đề tại 42 thôn thuộc 04 xã: Khâu Vai, Giàng Chu Phìn, Thượng Phùng, Xín Cái.
Các nội dung truyền thông đều phù hợp, sát thực với bà con nhân dân; đặc biệt các tuyên truyền viên là người địa phương nên cách thức truyền đạt bằng tiếng dân tộc nên bà con dễ hiểu và nắm được các nội dung truyền thông.

Đại diện Công an tỉnh Hà Giang thảo luận tại Hội thảo
Qua khảo sát cho thấy, sự cải thiện đáng kể trong nhận thức của người tham gia về những đối tượng có thể là tội phạm mua bán người. Ban đầu, nhiều người tham gia cho rằng tội phạm mua bán người thường là những cá nhân cụ thể như hàng xóm (42%), bạn bè hoặc người yêu (43%), và môi giới việc làm (17%). Tuy nhiên, trong Khảo sát cuối kì, các tỷ lệ này đã giảm xuống lần lượt còn 23%, 22% và 14%.
Đáng chú ý, tỷ lệ người tham gia nhận biết rằng "Tất cả các đối tượng trên" đều có thể là tội phạm mua bán người đã tăng mạnh từ 50% lên 78%, tăng 28%. Điều này cho thấy nhận thức của người tham gia đã được nâng cao, giúp họ hiểu rằng tội phạm mua bán người có thể đến từ nhiều tầng lớp khác nhau, không chỉ giới hạn ở một nhóm cụ thể.

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Cơ cấu, nhiệm vụ của mô hình Ban Phòng chống mua bán người
Đến ngày 31/01/2025 "Ban phòng, chống mua bán người" được duy trì ở 04 xã: Khâu Vai; Giàng Chu Phìn; Thượng Phùng; Xín Cái huyện Mèo Vạc với 56 tiểu ban, trong đó: (Khâu Vai: 12 tiểu ban; Giàng Chu Phìn: 12 tiểu ban; Xín Cái: 19 tiểu ban; xã Thượng Phùng: 13 tiểu ban).
Về Cơ cấu bộ máy, Ban Phòng chống mua bán người cấp xã gồm 8 thành viên, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; đồng Phó ban là Trưởng Công an và Chủ tịch Hội LHPN xã; thành viên là các ban, ngành xã: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Xã Đội trưởng,... (tùy đặc thù từng xã), riêng xã Biên giới bổ sung 01 đồng chí Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn tham gia thành viên.
Dưới Ban Phòng chống mua bán người có Tiểu Ban phòng, chống mua bán người cấp thôn, gồm 3 thành viên, đồng chí Trưởng thôn là Trưởng tiểu Ban; thành viên là Chi hội Trưởng phụ nữ, Công an viên. Nhiệm vụ tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại thôn; sàng lọc các trường hợp vắng mặt tại địa phương, những người có nguy cơ để có thể kịp thời can thiệp; tổng hợp kết quả hoạt động trong tháng.
Mô hình nhóm tuyên truyền viên nòng cốt cấp huyện, thành lập đầu năm 2022, gồm 28 thành viên. Trong đó, cấp huyện 2 người: Hội LHPN và Công an. Cấp xã: Mỗi xã từ 5-6 thành viên, là những nhân tố tích cực, có kỹ năng tuyên truyền được lựa chọn trong Ban Phòng chống mua bán người cấp xã và những thành viên được phát hiện từ các hoạt động trong quá trình triển khai các hoạt động.