GV chủ trì không quá tuổi nghỉ hưu khiến tiến độ mở ngành của trường tư chậm lại

Nhiều trường đại học tư thục có thể đảm bảo yêu cầu về chất lượng giảng viên chủ trì mở ngành đào tạo nhưng gặp khó với quy định không quá tuổi nghỉ hưu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư này có hiệu lực từ 05/01/2025.

So với quy định hiện hành, Thông tư 12 bổ sung điểm d vào Khoản 2, Điều 3 như sau: "Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo".

Một số ý kiến cho rằng, quy định này có thể tác động tích cực đến chất lượng của công tác mở ngành, giảng dạy, tuy nhiên cũng gây ra một số vướng mắc đối với các trường đại học tư thục.

Quy định về độ tuổi của giảng viên chủ trì có thể ảnh hưởng đến tiến độ mở ngành

Bàn luận về điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết cho biết:

“Việc bổ sung quy định về độ tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của chính phủ đối với giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện và giảng dạy chương trình đào tạo theo Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT có ưu điểm, nhằm đảm bảo chất lượng cho công tác mở ngành, tổ chức thực hiện đào tạo và khuyến khích lực lượng giảng viên trẻ nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lưu ý rằng, đội ngũ giảng viên tuy lớn tuổi nhưng còn đủ sức khỏe, có nhiều kinh nghiệm và năng lực để chủ trì nghiên cứu, hướng dẫn, dìu dắt các thế hệ giảng viên kế cận.

Trong bối cảnh tỷ suất sinh thấp như hiện nay, việc kéo dài độ tuổi lao động là xu hướng cần thiết để đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai. Các trường đại học trên thế giới đều có lực lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mặc dù tuổi cao nhưng vẫn tham gia nhiệt huyết vào công tác nghiên cứu và giảng dạy, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nhà trường".

Thầy Thường nói thêm, Trường Đại học Phan Thiết có sự chủ động trong công tác nhân sự, thường xuyên xây dựng kế hoạch tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự trình độ cao đặc biệt là nhân sự phục vụ việc mở ngành đào tạo mới.

Trong chiến lược phát triển của nhà trường, đơn vị đã và đang tiếp tục đưa giảng viên cơ hữu đi học tập nâng cao trình độ đảm bảo nguồn cơ hữu hiện tại và có thể thay thế cho các giảng viên cơ hữu đến tuổi hưu theo quy định.

Tuy nhiên, với các điểm mới của Thông tư 12 /2024/TT-BGDĐT, đặc biệt yêu cầu về đội ngũ giảng viên, không chỉ riêng Trường Đại học Phan Thiết mà hầu hết các trường đại học tư thục sẽ gặp nhiều thách thức.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường - Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết. Ảnh: NVCC.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (Bắc Ninh) chia sẻ: "Yêu cầu về độ tuổi của giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình, sẽ gây khó khăn cho các trường đại học tư thục.

Vì không dễ để các cơ sở giáo dục này thu hút được giảng viên có trình độ cao, trong độ tuổi quy định đến làm việc.

Hơn nữa, các thầy, cô giáo vượt quá độ tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định, phần lớn đều là giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực đảm đương vai trò chủ trì. Nếu không được sử dụng đội ngũ nhân lực này khiến tiến độ mở ngành đào tạo của không ít trường đại học tư thục sẽ bị chậm lại”.

Có thể xem xét hợp tác chia sẻ nguồn lực giảng viên

Đề cập đến điểm mới trên, Thạc sĩ Dương Văn Bá - Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Đào tạo Đại học và Sau đại học, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, hiện tại Trường Đại học Hòa Bình đang có khoảng 50% giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ.

Các trường đại học tư thục cơ bản có điều kiện thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao nhưng thường là các giảng viên đã hết tuổi công tác tại các trường đại học công lập.

Do vậy, khi thông tư Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực, các trường đại học tư thục sẽ phải cân nhắc để có cơ chế hợp lý nhằm tuyển dụng những giảng viên có trình độ cao, trong độ tuổi quy định về công tác tại trường. Ví dụ như đãi ngộ về tiền lương, điều kiện làm việc. Từ đó, nhà trường mới có thể đáp ứng điều kiện mở ngành theo quy định mới.

Thầy Bá chia sẻ thêm: “Trường Đại học Hòa Bình đang có kế hoạch mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ Quản lý kinh tế. Quy định mới cũng khiến nhà trường gặp một số trở ngại, tuy nhiên chúng tôi sẽ bố trí đội ngũ giảng viên phù hợp với yêu cầu để xúc tiến các công tác liên quan đến mở ngành”.

 Thạc sĩ Dương Văn Bá - Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng Đào tạo Đại học và Sau đại học, Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Dương Văn Bá - Phó Trưởng phòng, phụ trách phòng Đào tạo Đại học và Sau đại học, Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC.

Với những điểm mới của Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, để hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường đại học tư thục thực hiện quy định, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khắc Thường có một số đề xuất:

Cần khuyến khích hợp tác giữa công lập và tư thục, đưa ra các chương trình hợp tác giữa các trường công và tư, giúp chia sẻ nguồn lực giảng viên và tạo điều kiện phát triển đồng đều.

Cho phép tiến sĩ ở các trường công lập được kiêm nhiệm thêm tại 1 trường tư thục, với điều kiện rõ ràng và giám sát chặt chẽ. Một tiến sĩ từ trường công lập kiêm nhiệm tại 1 và chỉ 1 trường tư thục.

Điều này mang lại các lợi ích như tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp các trường tư thục, vốn thường gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên đạt chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo; tạo cơ hội cho các tiến sĩ đóng góp nhiều hơn vào hệ thống giáo dục mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính tại trường công lập.

Quy định giới hạn kiêm nhiệm ở 1 trường giúp tránh tình trạng quá tải hoặc mất tập trung vào công việc chính; khuyến khích sự hợp tác và kết nối giữa các trường công lập và tư thục, từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và cải thiện chất lượng giáo dục nói chung.

Tuy nhiên, cần có sự đồng ý từ phía trường công lập nơi tiến sĩ công tác, đảm bảo minh bạch về trách nhiệm và không gây ảnh hưởng đến uy tín hay nhiệm vụ của giảng viên này tại trường chính.

Đối với một số ngành chưa đảm bảo số lượng tiến sĩ như điều dưỡng, dược học… thầy Thường mong muốn: “Nên cho phép các trường đại học tư thục hợp tác với các bệnh viện lớn để mở ngành đào tạo. Đề xuất này phù hợp với đặc thù của ngành y tế, nơi kinh nghiệm thực tiễn đóng vai trò quan trọng hơn lý thuyết thuần túy.

Việc hợp tác với ít nhất 2 bệnh viện lớn và uy tín sẽ mang lại nhiều tác động tích cực. Sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế ngay từ khi đi học, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và giúp các em sẵn sàng hơn khi bước vào thị trường lao động.

Ngoài ra, điều này còn giúp giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực tiến sĩ, vốn là vấn đề nan giải trong các ngành như điều dưỡng, dược học. Nhu cầu đào tạo vượt xa khả năng cung ứng đội ngũ giảng viên”.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-chu-tri-khong-qua-tuoi-nghi-huu-khien-tien-do-mo-nganh-cua-truong-tu-cham-lai-post247784.gd
Zalo