Gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng Đảng

Nhờ luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ chính trị một cách quyết liệt, bài bản, chủ động, công tác xây dựng Đảng tại Hà Nội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. (Ảnh PHẠM CƯỜNG)

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. (Ảnh PHẠM CƯỜNG)

Đây là cơ sở để Hà Nội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và hướng tới những mục tiêu dài hơi hơn trong giai đoạn tới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong năm 2024, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả. Đảng bộ thành phố tiếp tục gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, bài bản Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đảng bộ thành phố tích cực đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 39-NQ/TW, Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị. Thành ủy, các cấp ủy đã dành nhiều công sức để củng cố, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phù hợp với các quy định của Trung ương.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, sau sắp xếp, thành phố giảm 2 đảng ủy khối, 1 cơ quan tương đương sở, 3 đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, 8 chi cục và 62 đầu mối thuộc chi cục thuộc sở, 41 đầu mối cấp phòng; giảm 174 đơn vị sự nghiệp cấp 2; tinh giản biên chế giảm 1.820 công chức; 12.890 biên chế sự nghiệp. Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được tổ chức theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.

Trong năm 2024, thành phố đã hoàn thành xây dựng thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô, đó là: Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hà Nội đã tập trung quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, các nhiệm vụ đề ra cơ bản đã hoàn thành, dự kiến hoàn thành 20/24 chỉ tiêu, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng khá; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế đều đạt kết quả khá, có nhiều triển vọng phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đạt 492.309 tỷ đồng (đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với năm 2023).

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập được mở rộng, hợp tác phát triển thiết thực và hiệu quả, nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.

Đối với công tác chống lãng phí, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã tập trung rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai để chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thành phố đã quyết định thu hồi 8 dự án lớn không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 258,9 ha. Căn cứ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về chống lãng phí, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm Trưởng ban.

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ này, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, với vai trò là Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất cả nước (hơn 480 nghìn đảng viên), ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, thành phố đã tổ chức quán triệt triển khai trong toàn Đảng bộ, đồng thời, ban hành kế hoạch để cụ thể hóa Chỉ thị; thành lập các tiểu ban phục vụ đại hội theo hướng dẫn của Trung ương, các quận, huyện trên địa bàn cũng bám sát kế hoạch của Trung ương, thành phố để thực hiện.

Theo kế hoạch, trong tháng 3/2025, thành phố sẽ tiến hành đại hội điểm cấp xã, phường, thị trấn và trong tháng 6/2025 sẽ tiến hành đại hội điểm cấp quận, huyện và đến tháng 10/2025, sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ thành phố.

Văn kiện đại hội đang được xây dựng, trong đó tập trung xem xét những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại; chỉ ra nguyên nhân chủ quan sát với tình hình mới. Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã cho ý kiến lần 1 vào dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18; đến tháng 1/2025, sẽ xin ý kiến lần 2 và tiếp tục hoàn thiện để gửi xin ý kiến các tổ chức đảng.

Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng sát sao chuẩn bị các nội dung đại hội, nhất là văn kiện đại hội, bên cạnh đánh giá kết quả đạt được cần nhìn thẳng vào sự thật, nâng cao sức chiến đấu, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để đề ra phương hướng khắc phục trong tình hình mới, nhất là cập nhật tinh thần, quan điểm chỉ đạo mới của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư.

Các cấp ủy làm tốt công tác chuẩn bị cấp ủy khóa tới, để đây thật sự là những đồng chí tinh hoa, hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định, sẵn sàng cống hiến vì thành phố, quê hương, đất nước. “Thành ủy Hà Nội sẽ lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần vào thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Thành phố đã có những bước triển khai mạnh mẽ nhằm lan tỏa sâu rộng những tư tưởng, quan điểm mới, những trăn trở của Tổng Bí thư nhằm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài khẳng định.

Quốc Toản

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/guong-mau-di-dau-trong-cong-tac-xay-dung-dang-post847550.html
Zalo