Thời tiết mây mù đặc quánh ở Nam Bộ có nguy hiểm?
Các tỉnh Nam Bộ xuất hiện sương mù đặc quánh, giảm tầm nhìn do không khí lạnh ở phía bắc khuếch tán sâu xuống phía nam hình thành rãnh áp thấp tạo nên độ ẩm trong không khí cao.
Trời mù đặc quánh, tầm nhìn giảm thấp
Những ngày qua, người dân tại TPHCM khi ra đường phát hiện cảnh mờ mịt như sương mù bao phủ. Tình trạng này diễn ra cả ngày, ảnh hưởng tầm nhìn của mọi người tham gia giao thông.
Tại Bình Dương sương mù dày và se lạnh, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Nhiều tòa nhà cao tầng ở Bình Dương bị che lấp trong màn sương mù vào sáng sớm. Còn tại TP.HCM nắng yếu, trời nhiều mây, xuất hiện sương mù nhiều nơi. Trên nhiều con đường ở người dân TP.HCM đi làm và đón ngày mới trong không khí mát mẻ, thoải mái. Các tòa nhà cao tầng như Landmark 81, Bitexco hoặc các chung cư nằm dọc sông Sài Gòn… nhiều bị lớp sương bao phủ.
ThS Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, mấy ngày qua áp cao lạnh lục địa có cường độ mạnh (đây là hệ thống gây ra thời tiết rét ở các tỉnh phía bắc), sau đó áp cao lạnh lục địa di chuyển ra phía đông suy yếu dần. Rãnh áp thấp xích đạo có trục 5 - 7 độ vĩ bắc có xu hướng di chuyển lên phía bắc, kết hợp với hội tụ gió trên cao ngay trên khu vực Nam bộ. Gió đông bắc hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh.
Đồng thời, trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung bộ và Nam bộ. Những hệ thống thời tiết nêu trên tác động làm cho TP.HCM và một số tỉnh Nam bộ nhiệt độ không khí vào ban đêm, sáng sớm giảm, sáng sớm có lớp mù bao phủ, làm giảm tầm nhìn ngang.
Thậm chí, ngày hôm qua (2/12), mù diễn ra tương đối dày, kéo dài từ sáng sớm tới chiều, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do không khí lạnh ở phía bắc khuếch tán sâu xuống phía nam, làm nhiệt độ không khí giảm, trên vùng biển phía nam hình thành rãnh áp thấp, trên rãnh có những vùng hội tụ ẩm, tạo nên độ ẩm trong không khí khá cao, đầu giờ sáng hầu hết các tỉnh thành có độ ẩm từ trên 80%, chiều tối, đêm hôm qua cũng xảy mưa, một số nơi mưa to như Cần Thơ 66 mm, Sóc Trăng 35 mm, Giồng Trôm 37 mm...
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km. Sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.
Nguyên nhân gây sương mù là do độ ẩm không khí lớn. Trong những ngày vừa qua không khí ẩm từ Vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam ở rìa phía Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu lệch Đông. Cùng với đó, không khí lạnh liên tục bổ sung nhưng chỉ ở lớp mỏng sát bề mặt, khiến cho nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, hiện tượng lặng gió khiến cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt gây ra hiện tượng này. Hiện tượng sương mù ở nước ta thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông.
Sương mù có ảnh hưởng đến sức khỏe?
"Thời tiết này không xếp vào loại hình thời tiết nguy hiểm, tuy nhiên mù dày đặc sẽ làm giảm tầm nhìn ngang, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Mù sẽ còn diễn ra thêm vài ngày tới, sau đó các buổi sáng trời trở nên bình thường. Từ nay tới cuối năm, vẫn còn xuất hiện một số ngày có hiện tượng mù tương tự, mỗi khi không khí lạnh mạnh", ThS Lê Đình Quyết nói.
Hiện tượng mù này không chỉ có ở TPHCM mà diễn ra ở các tỉnh Nam Bộ. Những nơi có điều kiện mặt đệm thông thoáng thì hiện tượng mù tan nhanh hơn.
Đối với TPHCM, do có nhiều công trình cao tầng, làm giảm khả năng lưu thông gió, do đó hàng ngày mù tan chậm hơn, cũng có thể trong thành phố do các hoạt động giao thông và các hoạt động khác gây nhiều bụi hơn các nơi khác, cũng làm cho điều kiện hình thành mù dễ dàng hơn.
Trên ứng dụng Air Visual, nhiều khu vực tại TPHCM đang có chất lượng không khí gây hại cho sức khỏe. Lúc 9h15 sáng nay, tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nồng độ bụi mịn PM 2.5 là 123.56μg/m3 (mức cho phép 5μg/m3). Như vậy, nồng độ bụi mịn hiện cao gấp 24.7 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Nồng độ bụi mịn vượt ngưỡng cao ở các khu vực quận trung tâm TPHCM như: 1, 3, Bình Thạnh, Gò Vấp và TP Thủ Đức. Một số quận, huyện khác như: 7, 8, Bình Chánh… có chất lượng không khí tốt hơn.
Rủi ro thiên tai do sương mù cấp độ 1 gồm các trường hợp sau: Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50 m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển, trên sông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay; Cảnh báo rủi ro thiên tai do sương mù dày đặc, tầm nhìn xa từ 50 m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông hoặc đường đèo núi.
Bên cạnh đó, rủi ro thiên tai do sương mù dày đặc cấp độ 2 xảy ra khi cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tóc hoặc khu vực sân bay.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo, trong những ngày sương mù dày đặc, người dân nên có những biện pháp phòng ngừa kịp thời như: Tránh ra đường quá sớm vào buổi sáng; Sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương; Cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp để tránh trở nặng và nguy hiểm; Giữ ấm cơ thể để đảm bảo nguồn nhiệt; vệ sinh cá nhân thường xuyên; Không phơi quần áo ngoài trời để qua đêm; thực hiện việc là quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo, quần...